Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Cần tăng tính linh hoạt, phân quyền thực chất trong Luật Quy hoạch (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Cần tăng tính linh hoạt, phân quyền thực chất trong Luật Quy hoạch (sửa đổi)
3 giờ trướcBài gốc
Đại biểu nhấn mạnh: Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu sâu sát các yêu cầu chính trị – pháp lý từ Kết luận 121-KL/TW, 127-KL/TW, đồng thời giải quyết nhiều bất cập nổi lên trong thực tiễn thi hành Luật Quy hoạch vừa qua, nhất là đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường tính linh hoạt và hiệu lực của hệ thống quy hoạch; gắn kết chặt chẽ với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thảo luận Luật quy hoạch (sửa đổi)
Góp ý cụ thể về hệ thống quy hoạch (Điều 5), đại biểu cho rằng, việc quy định các loại quy hoạch được phép lập đồng thời là một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện rút ngắn thời gian chuẩn bị quy hoạch, giảm độ trễ giữa các quy hoạch khác cấp, đồng thời khắc phục tình trạng “đợi nhau”. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cấp lập quy hoạch khi triển khai đồng thời; địa phương được chủ động đến đâu khi lập song song với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng; cũng chưa có cơ chế linh hoạt cho địa phương chủ động xử lý các mâu thuẫn nhỏ về định hướng không gian, mục tiêu phát triển.
Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế phối hợp lập đồng thời quy hoạch giữa Trung ương – địa phương – ngành, như: Cần quy định về Tổ chức làm đầu mối điều phối, chia sẻ thông tin, trách nhiệm giải trình khi có mâu thuẫn; có thể là tổ giúp việc do Trung ương thành lập, có như thế mới giải quyết nhanh khi thực tế có bất cập. Như hiện nay, khi có mâu thuẫn thì văn bản đi lại tốn rất nhiều thời gian, nếu có 1 tổ chức làm đầu mối thì giải quyết rất nhanh và hiệu quả, tăng quyền chủ động cho địa phương, như: Cho phép địa phương tự xây dựng phương án quy hoạch trong khuôn khổ mục tiêu phát triển chung và linh hoạt xử lý các xung đột kỹ thuật mà không cần chờ cấp cao hơn duyệt lại toàn bộ… và đây cũng là cụ thể hóa việc phân cấp phân quyền, đúng chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Về Nguyên tắc phù hợp và xử lý mâu thuẫn trong quy hoạch (khoản 4 Điều 6 được sửa đổi), Dự thảo quy định giao thẩm quyền cho cấp cao hơn quyết định quy hoạch phải điều chỉnh là cần thiết, tuy nhiên, đối với các mâu thuẫn nhỏ hoặc kỹ thuật thì nên trao quyền cho địa phương xử lý linh hoạt. Đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh được tự quyết trong trường hợp mâu thuẫn nhỏ mang tính kỹ thuật hoặc đã có ý kiến đồng thuận giữa các bên liên quan.
Quang cảnh phiên thảo luận Luật quy hoạch sửa đổi
Về quy trình lập quy hoạch tỉnh (khoản 4 Điều 16 được sửa đổi bổ sung), qua nghiên cứu đại biểu thấy đã có nhiều thay đổi quan trọng tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, tuy nhiên quy trình lập quy hoạch tỉnh vẫn còn dài, qua nhiều khâu, dễ bị kéo dài thời gian. “Tôi đề xuất quy định theo hướng rút gọn quy trình lấy ý kiến, tăng cường sử dụng công nghệ trong việc gửi, tiếp thu, giải trình qua hệ thống điện tử; đồng thời, cho phép UBND cấp tỉnh được giao một phần quyền thẩm định kỹ thuật sơ bộ, đặc biệt trong trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch” - đại biểu đề xuất.
Về nội dung quy hoạch tỉnh (Điều 27), đại biểu cho rằng, nội dung dung dự thảo quy định rất cụ thể, chi tiết, tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho địa phương, đề xuất nội dung quy hoạch tỉnh cần phân định rõ phần bắt buộc và phần khuyến khích trong nội dung quy hoạch tỉnh; đồng thời cho phép địa phương lược bớt một số nội dung nếu không có yếu tố đặc thù liên quan.
Về điều khoản thi hành (Điều 2), việc điều chỉnh quy hoạch sau sắp xếp đơn vị hành chính không không làm gián đoạn đầu tư, phát triển của địa phương, đại biểu đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát sâu kỹ và quy định theo hướng cho phép địa phương kế thừa tối đa các nội dung phù hợp của quy hoạch cũ, không bắt buộc điều chỉnh toàn diện; ví dụ: khi sáp nhập các tỉnh thì đương nhiên Quy hoạch tỉnh cũng cần điều chỉnh bổ sung nêu như theo quy định hiện tại thì các dự án, công trình theo quy hoạch cũ sẽ không còn phù hợp, như vậy là không phù hợp với chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, tăng trưởng 8% năm nay và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới; đồng thời, hỗ trợ kinh phí lập điều chỉnh quy hoạch từ ngân sách Trung ương với các tỉnh còn khó khăn về ngân sách.
THU HÀ
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/dai-bieu-nguyen-huu-thong-can-tang-tinh-linh-hoat-phan-quyen-thuc-chat-trong-luat-quy-hoach-sua-doi-130087.html