Theo Luật Nhà ở 2014, nhà đầu tư chỉ được phép thực hiện dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng đất ở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hạn mức giao đất tối đa cho các hộ gia đình là 400 m², phần còn lại trong thửa đất thường là đất nông nghiệp, đất giao thông, cây xanh, khiến nhà đầu tư không thể chuyển đổi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất thí điểm mở rộng việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, không phải đất ở để làm các dự án nhà ở thương mại trong vòng 5 năm.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã lên tiếng băn khoăn về tính hợp lý của việc mở rộng thí điểm trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nhấn mạnh rằng đất đai là tài nguyên vô giá và bày tỏ lo ngại về việc nhiều dự án nhà ở thương mại dù đã hoàn thành nhưng vẫn bỏ hoang, không có người ở. Ông cho rằng, trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp đang rất lớn, chính quyền nên tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội thay vì mở rộng dự án nhà ở thương mại.
"Chúng ta đang có rất nhiều dự án nhà ở thương mại không có người ở, trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp, công nhân rất cao. Vậy tại sao không tập trung vào phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân?" - đại biểu Đỗ Huy Khánh nêu rõ. Ông cũng chia sẻ thực trạng nhiều công nhân, người thu nhập thấp không thể mua được nhà ở xã hội, dù họ đã tham gia nhiều vào các đợt bốc thăm, vì nguồn cung quá hạn chế.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại về việc thí điểm mở rộng sử dụng đất cho các dự án nhà ở thương mại sẽ tạo ra một mặt bằng giá đất mới. Ông đặt câu hỏi liệu việc cho phép thỏa thuận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp có thể làm tăng giá đất từ vài trăm nghìn đồng lên hàng chục triệu đồng/m², và liệu lợi ích này sẽ thuộc về ai?
Đại biểu Ấn cũng lo ngại việc này có thể tạo ra sự bất công trong bồi thường đất, khi giá đất tại các dự án do Nhà nước thu hồi sẽ thấp hơn giá thỏa thuận của các doanh nghiệp, dẫn đến tranh chấp và khiếu kiện.
Không lấy đất nông nghiệp một cách tràn lan để làm nhà ở thương mại
Tham gia ý kiến tại phiên họp Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm mở rộng đất làm nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất. Theo đại biểu, dự thảo nghị quyết có đầy đủ cơ sở chính trị và pháp lý, sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh rằng việc áp dụng nghị quyết không nên mang tính đại trà, mà cần có các tiêu chí và phạm vi rõ ràng. Ông cho biết, dự thảo nghị quyết đã quy định thí điểm chỉ áp dụng đối với các khu vực đô thị, không có chuyện sử dụng đất lúa hay đất nông nghiệp một cách tràn lan để thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Đây là một cách tiếp cận hợp lý nhằm bảo vệ tài nguyên đất đai.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)
Về các vấn đề liên quan đến đất quốc phòng, đất an ninh, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng những loại đất này đã được quy định rất chặt chẽ trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở, nhằm phát triển nhà ở xã hội cho các lực lượng vũ trang. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định để Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thể chủ động trong việc thông qua danh mục đất dự kiến thực hiện các dự án thí điểm, đồng thời đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình triển khai.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu đồng ý với việc ban hành nghị quyết thí điểm nhằm thực hiện các dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất. Mục tiêu là để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tăng cường điều kiện tiếp cận đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần có những nguyên tắc và giải pháp cụ thể để tránh tình trạng đất đai bị đầu cơ, gây bất ổn cho thị trường bất động sản và nền kinh tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các bên liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Huy Tùng