Chống thực phẩm giả: đấu tranh vì một xã hội tử tế
Chia sẻ cùng phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về các vụ việc thực phẩm giả, thực phẩm bẩn liên tục bị phát hiện trong thời gian qua PGS.TS. Bùi Hoài Sơn (đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho rằng thực phẩm giả là một tội ác âm thầm nhưng có hệ quả to lớn, không chỉ tước đoạt sức khỏe mà còn bào mòn đạo lý.
Khi lợi nhuận được đặt cao hơn lương tâm, không gian sống chung của xã hội sẽ trở nên méo mó, bất an.
“Là một đại biểu Quốc hội, tôi xót xa khi nhìn thấy những mâm cơm của người dân đặc biệt là người nghèo, công nhân, học sinh có thể bị đầu độc từng ngày bởi những sản phẩm mang danh là thực phẩm nhưng thực chất lại là mối nguy hại tiềm tàng”, đại biểu Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Vấn nạn thực phẩm giả, hàng giả nếu không được kiểm soát quyết liệt, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân mà còn khiến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế bị ảnh hưởng. Một đất nước đang khát vọng phát triển, nhưng lại chưa thể bảo vệ được bữa ăn sạch cho chính người dân mình.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn – đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Ảnh: Cổng TTĐTQH
“Cần coi đấu tranh với thực phẩm giả là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu như chống tham nhũng, bởi nó gắn chặt với sinh mệnh của từng con người”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh
Chống thực phẩm giả không chỉ là chống một hiện tượng, mà là đấu tranh vì một xã hội tử tế, một nền văn hóa sống lành mạnh và một tương lai bền vững cho đất nước.
Nhiều nguyên nhân khiến thực phẩm giả trở thành “căn bệnh” khó chữa
Nhận định về nguyên nhân tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn kéo dài suốt nhiều năm qua mà vẫn chưa được giải quyết triệt để, thành viên đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng đang tồn tại những lỗ hổng nghiêm trọng cả trong quản lý nhà nước lẫn ý thức xã hội.
“Có ít nhất ba nguyên nhân lớn khiến vấn nạn này vẫn tồn tại dai dẳng, như một “căn bệnh mãn tính” khó chữa của đời sống hiện đại”, đại biểu Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Thứ nhất, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm còn chồng chéo, thiếu phối hợp và thiếu hiệu lực. Mặc dù nhiều bộ, ngành, cơ quan cùng chịu trách nhiệm như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương nhưng lại thiếu một cơ chế điều phối tập trung và thống nhất.
Điều này dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, mỗi nơi quản một khâu nhưng không ai chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả cuối cùng. Công tác thanh tra, kiểm tra còn mang tính hình thức, thiếu tính răn đe và chưa bám sát thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Cục QLTT thành phố Đà Nẵng tạm giữ hàng chục đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng nhập lậu tháng 8.2024
Thứ hai, ý thức đạo đức trong kinh doanh của một bộ phận không nhỏ cá nhân, doanh nghiệp còn thấp. Vì lợi nhuận, những đối tượng này sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm độc hại, bất chấp hậu quả đối với sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó tâm lý dễ dãi trong tiếp nhận thực phẩm giá rẻ, kém chất lượng cũng phản ánh phần nào sự thờ ơ và thiếu kiến thức của một bộ phận người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, công nhân, người thu nhập thấp.
Thứ ba, các chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Không ít trường hợp bị phát hiện nhưng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, chưa đủ nghiêm để ngăn chặn tái phạm.
Việc truy tố hình sự còn rất ít và chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm giả lại rất lớn, khiến không ít người chấp nhận “đánh đổi” để trục lợi.
“Sự buông lỏng quản lý, những lỗ hổng trong chính sách, thiếu đạo đức kinh doanh, nhận thức xã hội chưa cao, tất cả đã tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến vấn nạn này âm ỉ kéo dài”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Nếu không có một cuộc cách mạng về thể chế, nhận thức và hành động mạnh mẽ, dứt khoát, xã hội sẽ còn phải chứng kiến nhiều hệ lụy đau lòng hơn nữa đến từ chính bữa ăn của người dân.
Siết chặt thực phẩm giả cần một chiến lược tổng thể
Trước những băn khoăn về giải pháp xử lý vấn nạn kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng như thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng phải nhìn nhận đây không đơn thuần là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mà là một mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng, niềm tin xã hội và an ninh quốc gia theo nghĩa rộng.
“Không thể chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử lý nhỏ lẻ, mà cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó hành lang pháp lý và các biện pháp thiết thực phải được siết chặt hơn bao giờ hết”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Hàng nghìn hộp sữa bột giả mang nhãn hiệu Sure IQ bị cơ quan công an thu giữ. Nguồn: Báo Công an nhân dân
Trước hết, về mặt pháp lý Quốc hội và Chính phủ cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến an toàn thực phẩm theo hướng rõ ràng, thống nhất và đủ sức răn đe.
Tránh tình trạng chia cắt trách nhiệm giữa nhiều bộ, ngành, cần một đầu mối thống nhất với đủ thẩm quyền và năng lực để giám sát xuyên suốt chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu dùng thực phẩm.
Đồng thời, các chế tài cũng phải được nâng lên một cách nghiêm khắc, đặc biệt với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm có hại cho sức khỏe.
“Cần xem xét xử lý hình sự như một loại hình “đầu độc sức khỏe cộng đồng”. Đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vi phạm đạo lý, gây tổn hại lâu dài đến giống nòi dân tộc”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhận định.
Để xử lý dứt điểm tình trạng này, cần một hệ thống kiểm soát mạnh mẽ, minh bạch và trách nhiệm từ trung ương đến địa phương. Thắt chặt chế tài quản lý, nghiên cứu đề xuất truy tố hình sự đối với những đối tượng sản xuất và phân phối thực phẩm giả là những giải pháp cần được triển khai.
“Quan trọng là cần khơi dậy tinh thần thượng tôn đạo đức trong kinh doanh – để không ai vì lợi nhuận mà nhẫn tâm bỏ mặc sinh mạng của đồng bào mình”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Cơ quan điều tra thu giữ hàng nghìn hộp sữa giả. Ảnh: Bộ Công an
Bên cạnh đó, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quản lý thực phẩm là một hướng đi cần thiết. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã QR, kết nối dữ liệu từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng, giúp nâng cao tính minh bạch và khả năng kiểm tra chéo của toàn xã hội.
Một sản phẩm có thể giả được bao bì, giả được thương hiệu, nhưng không thể dễ dàng qua mặt được một hệ thống truy xuất minh bạch và thông minh nếu được tổ chức tốt.
Không chỉ pháp luật và công nghệ, công tác giáo dục đạo đức trong kinh doanh cũng cần được củng cố. Không thể để lòng tham lấn át lương tri trong một môi trường phát triển lành mạnh.
Có thể nghiên cứu đưa nội dung đạo đức kinh doanh vào hệ thống đào tạo doanh nhân, các chương trình khởi nghiệp, đồng thời tôn vinh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm với cộng đồng.
Cùng với đó, truyền thông cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn với những chiến dịch mang tầm quốc gia. Qua đó giáo dục tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rằng bữa ăn an toàn là quyền lợi chính đáng.
“Mỗi người dân cũng là một “thanh tra” xã hội, góp phần phát hiện, lên tiếng, tẩy chay thực phẩm bẩn. Sức ép xã hội luôn là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để đẩy lùi cái xấu”, đại biểu Bùi Hoài Sơn kiến nghị.
Qua đó, có thể thấy để siết chặt tình trạng thực phẩm giả, thực phẩ bẩn không thể hành động đơn lẻ mà phải xây dựng một chiến lược tổng thể, nơi pháp luật đủ mạnh, công nghệ đủ thông minh, đạo đức được đề cao và người dân được trao quyền.
Khi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng vào cuộc với quyết tâm và trách nhiệm, thực phẩm giả sẽ không còn là một “bóng ma” ám ảnh bữa ăn của người Việt.
Hơn thế nữa, đó sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho một xã hội biết bảo vệ sức khỏe, phẩm giá và tương lai của chính mình.
Chi Nguyễn