Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh thảo luận, góp ý dự án Luật Nhà giáo

Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh thảo luận, góp ý dự án Luật Nhà giáo
3 ngày trướcBài gốc
Quang cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Cùng dự Hội nghị có Các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các vị ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Trung ương và địa phương, các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, đại diện các Bộ, ngành Trung ương…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thực hiện quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của UBTVQH, để đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Dự kiến trong 2 ngày (ngày 25/3 và 26/3/2025), Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với 08 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8; 01 dự án Luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) và 01 dự án luật dự kiến báo cáo trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự thông qua tại một kỳ họp Quốc hội (nếu đủ điều kiện) (dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các dự án Luật thảo luận tại Hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những luật rất quan trọng, tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp như: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số trong nước như Luật Công nghiệp công nghệ số; bắt kịp sự vận động của xã hội, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo... Bên cạnh đó, cũng có các dự án Luật nhận được sự quan tâm nhiều của dư luận xã hội và các vị ĐBQH, như Luật Nhà giáo; đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm như Luật Việc làm (sửa đổi)...
Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/3, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến được khai mạc sớm, ngay đầu tháng 5 và có thể kéo dài 2 tháng (nghỉ 3 tuần giữa các đợt).
Kỳ họp dự kiến thông qua 11 dự án Luật, cho ý kiến 16 dự án Luật. Con số này chưa bao gồm các luật cần sửa đổi theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị cũng như các luật, nghị quyết khác mà Chính phủ dự kiến sẽ đề nghị bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, dự kiến Kỳ họp thứ 9 có nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013 và các luật liên quan.
ĐBQH chuyên trách Đoàn Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh góp ý Luật Nhà giáo
Tham gia góp ý về Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị cho rằng: "Điều 21 khoản 3 của dự thảo luật quy định rằng giáo viên đã công tác từ 3 năm trở lên tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo hoặc các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được giải quyết thuyên chuyển. Điều kiện để được thuyên chuyển là phải có sự đồng ý của cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác, sự đồng ý của cơ quan quản lý giáo dục và sự chấp nhận tiếp nhận từ cơ sở giáo dục nơi giáo viên muốn chuyển đến.
Về mặt lý thuyết, quy định này có vẻ hợp lý và đầy đủ, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến những giáo viên đã cống hiến tại các vùng khó khăn. Tuy nhiên, điều kiện "nơi đến chấp nhận tiếp nhận" đang tạo ra những rào cản lớn, làm giảm tính khả thi của quy định và gây khó khăn cho nhà giáo.
Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên gặp phải tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi xin thuyên chuyển. Cơ sở giáo dục nơi họ đang công tác thường không muốn cho đi vì tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục ở nơi đến lại từ chối tiếp nhận vì đã đủ số lượng giáo viên hoặc có những lý do khác.
Hậu quả của tình trạng này là giáo viên phải trải qua quá trình "xin xỏ" đầy khó khăn, tốn kém thời gian và công sức. Họ phải đối mặt với nhiều áp lực, thậm chí là những hành vi tiêu cực để có thể đạt được nguyện vọng thuyên chuyển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của giáo viên, mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực đến chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn.
ĐBQH chuyên trách tham dự hội nghị
Đề xuất sửa đổi và những lập luận pháp lý để tăng cường tính khả thi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo, tôi đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 21 theo hướng quy định rõ ràng rằng thuyên chuyển là quyền của nhà giáo. Điều này phù hợp với nguyên tắc pháp lý cơ bản: quyền của một chủ thể phải được đảm bảo bằng nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ thể khác.
Cụ thể, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục nơi đến trong việc tiếp nhận nhà giáo thuyên chuyển. Trách nhiệm này có thể được cụ thể hóa bằng các tiêu chí và quy trình tiếp nhận rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và xử lý các trường hợp từ chối tiếp nhận không có lý do chính đáng.
Dự thảo Luật quy định cho phép nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Tôi băn khoăn khi dự thảo Luật bổ sung điều kiện để giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi là phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên. Trong khi theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện tại, người lao động chỉ cần đóng đủ 15 năm là có thể được hưởng lương hưu. Do đó, tôi đề nghị bỏ điều kiện phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên khi giải quyết cho Giáo viên mầm non có nguyện vọng nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 năm".
NGUYỆT THU
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202503/dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-trinh-thi-tu-anh-thao-luangop-y-du-an-luat-nha-giao-ecf5798/