Ngày 26/3, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự thảo luật quy định kiểm định là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác định nhân sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, bao gồm kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ và kiểm định bất thường. Đại biểu cho rằng, để thực hiện tốt trên thực tiễn nội dung này, cần bổ sung thêm một mục giao Chính phủ quy định cụ thể các hình thức kiểm định trên. Nếu không có quy định cụ thể sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện, vì cần giải thích như thế nào là kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ, kiểm định thường xuyên và quy định về kiểm định của luật này có khác với quy định về kiểm định của các luật chuyên ngành hoặc các luật liên quan hay không?
Về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, khoản 2 Điều 5 của dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị bỏ cụm từ "kinh doanh", vì tại khoản e sửa đổi, bổ sung khoản 6 của dự thảo luật đã giải thích rất rõ về cụm từ "tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện sản xuất", gọi chung là người sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu.
Về nhiệm vụ của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, khoản 6 Điều 47 của luật hiện hành quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa có nhiệm vụ sau đây: Ra quyết định xử lý trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của đoàn kiểm tra hoặc kiểm soát viên chất lượng về việc tạm đình chỉ sản xuất, niêm phong, tạm dừng bán hàng. Dự thảo luật đề xuất theo hướng: ra quyết định xử lý theo thẩm quyền quy định của pháp luật khi nhận được báo cáo của đoàn kiểm tra hoặc kiểm soát viên chất lượng về việc tạm đình chỉ sản xuất, niêm phong, tạm dừng bán hang; trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Nội dung này được giải trình là để thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản này.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Đại biểu nhận thấy nội dung quy định tại khoản 6 Điều 47 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không bao hàm việc ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, mà quy định việc xử lý nội bộ trong quá trình tác nghiệp của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Do đó, Đại biểu đề nghị làm rõ phạm vi và nội hàm điều chỉnh của khoản 6 Điều 47 trong dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.
Quan tâm đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc, Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo xem xét cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc từ trong nước đến quốc tế để đảm bảo với các yêu cầu của thị trường quốc tế và việc truy xuất nguồn gốc. Đây là việc cần thiết, chúng ta cần phải xem xét và hỗ trợ để đưa vào trong dự thảo luật.
Đại biểu cũng nêu thực tế, một số sản phẩm gây mất an toàn như nồi hơi, lò hơi nhưng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 và các sản phẩm này trong quá trình vận hành đã gặp sự cố gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng. Do đó, Đại biểu đề nghị bổ sung các sản phẩm gây mất an toàn này vào danh mục hàng hóa thuộc nhóm 2 tại khoản 1 Điều 1 và khoản 4 Điều 3 của dự thảo luật.
Cũng tại phiên thảo luận, liên quan tới quy định về công bố sự phù hợp, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo về tính cần thiết, để đảm bảo yêu cầu thực tiễn hiện nay; bổ sung điều chỉnh phù hợp với tính chất, yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như người sản xuất thực hiện được các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định.
Phát biểu làm rõ, liên quan đến chi phí của doanh nghiệp với sản phẩm, hàng hóa khi công bố hợp chuẩn, hợp quy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, nội dung này liên quan trực tiếp đến danh sách các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Hiện nay, theo quy định danh sách hàng hóa nhóm 2 do các bộ chuyên ngành quy định và danh sách hàng hóa nhóm 2 này sẽ quyết định được ít hay nhiều mặt hàng mà các doanh nghiệp phải chịu sự quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng.
“Hàng hóa nhóm 2 theo quy định mới, cách tiếp cận mới, nếu ở mức độ rủi ro thấp thì doanh nghiệp có thể tự công bố hợp quy của mình. Hiện nay, theo cách tiếp cận chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể chủ động tự làm ngay trên môi trường số và sau khi doanh nghiệp điền hết tất cả các trường thông tin về việc công bố hợp quy, giúp lược bỏ thủ tục hành chính này và giảm chi phí...”, Thứ trưởng Lê Xuân Định lý giải.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng cho biết, đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 khi đưa ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các bộ, ngành phải tiến hành công tác đánh giá tác động. Việc đánh giá tác động này phải có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu tác động.
Toàn cảnh Hội nghị.
Nhấn mạnh chính sách về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhóm 2 là một chính sách cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, cần tìm điểm cân bằng giữa đảm bảo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn và đã là hàng hóa nhóm 2 phải có sự kiểm soát, giám sát, nhưng phải kiểm soát, giám sát trên môi trường số để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo sự giám sát của người dân và doanh nghiệp.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Nhấn mạnh đây là luật liên quan tới khu vực kinh tế tư nhân và có nhiều cách tiếp cận, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, quá trình chỉnh lý, tiếp thu và hoàn thiện cần bám sát các mục tiêu, yêu cầu đề ra trên cơ sở đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, quy chuẩn, xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2...
Thiên An