Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TPHCM - phát biểu
Tránh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Thảo luận tại tổ sáng nay 23/5 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TP.HCM - cho biết, ông rất quan tâm vấn đề cải cách thể chế quản lý, điều hành đất nước trong bối cảnh mới.
Ông Nghĩa liệt kê, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết lớn (được coi là Bộ tứ chiến lược) thể hiện cải cách triệt để về hệ thống luật pháp, thủ tục hành chính, khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế, cụ thể là Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68. "Những nghị quyết này đang đòi hỏi phải được thể chế hóa một cách toàn diện, sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống pháp luật", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, chúng ta đã bắt đầu từ việc sửa đổi Hiến pháp nhưng mới chỉ sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy. Để các Nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải được thể chế hóa một cách khoa học, đồng bộ, hợp lý, trúng đích, phải làm sao để đặt ra được một hành lang pháp lý bền vững, ổn định.
Theo đại biểu này, các cử tri và doanh nghiệp phản ánh, thời gian vừa qua có hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khi thực hiện các chính sách lớn của Trung ương, hiện tượng "trên nóng dưới lạnh" cũng cần được giải quyết triệt để nhằm tránh trường hợp khi "dự cuộc họp với Thủ tướng, các tập đoàn, doanh nghiệp rất hào hứng, phấn khởi nhưng bắt tay vào giải quyết một số vấn đề, làm ăn cụ thể tại địa phương, cán bộ, công chức, bộ phận trong bộ máy nhà nước không có sự ủng hộ nhiệt tình như vậy".
Từ thực tiễn, ông Nghĩa cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ tới đây là phải làm sao để các chủ trương được thực hiện một cách xuyên suốt đến tận cấp xã, không thể thông thoáng ở bộ, ở tỉnh nhưng đến xã thì lại tắc.
Nhấn mạnh việc thực hiện thể chế quan trọng không kém gì cải cách thể chế, vị đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị cán bộ cấp bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh có thể hóa trang, để vi hành tới những cơ quan thuộc phạm vi mà mình quản lý, xem cán bộ, nhân viên ở đó đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào.
Công tác cán bộ quyết định sự thành công
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP.HCM - cho rằng, cần làm sao để chọn được đội ngũ cán bộ giỏi, đáp ứng được yêu cầu công việc trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số… "Công tác cán bộ rất quan trọng, quyết định sự thành công trong sự phát triển quốc gia", ông Ngân nói.
Đề cập chủ trương sáp nhập tỉnh, ông Ngân cho rằng, đây là phép nhân chứ không phải phép cộng để tạo ra sự tăng trưởng mới. Dẫn ví dụ về chủ trương sáp nhập TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Ngân cho rằng, khi thực hiện sẽ tạo ra sự hỗ trợ, tương hỗ, cộng hưởng để thúc đẩy tăng trưởng mạnh cho các địa phương.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP.HCM
Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn TP.HCM - nhấn mạnh, ngoài sắp xếp bộ máy, phân cấp phân quyền, việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp là nội dung rất quan trọng.
Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và đang tập trung phân cấp, phân quyền. Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, điều chỉnh quy định để cấp chính quyền gần dân được phân cấp nhiều hơn, giải quyết công việc thuận lợi.
Ông Hiển đánh giá cao chủ trương này và mong Chính phủ sớm ban hành các nghị định. Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn nhiều bất cập.
Mặc dù có nhiều nghị quyết (như Nghị quyết 19 năm 2018) nhưng thực tế triển khai chưa hiệu quả. Nhiều lĩnh vực, ví dụ hải quan và đầu tư, vẫn còn vướng mắc.
Ông Hiển kiến nghị rà soát các nghị quyết về kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính và đầu tư kinh doanh để xác định những việc đã và chưa làm, từ đó đặt mục tiêu cụ thể.
Hải Yến