Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc bỏ tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc bỏ tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ
một ngày trướcBài gốc
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8 tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.
Đây là nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, sáng 27/5.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), tội tham ô tài sản hiện diễn biến hết sức phức tạp, không những ở lĩnh vực công mà còn ở lĩnh vực tư nhân.
Đại biểu dẫn chứng vụ án Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB là một thí dụ điển hình. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bị cáo đã chi phối, lũng đoạn ngân hàng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đến bây giờ vẫn chưa khắc phục hết, mặc dù chúng ta đã cố gắng thu hồi nhưng hệ quả để lại rất lớn, không gì cân đong đo đếm được. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị vẫn giữ lại án tử hình để bảo đảm tính răn đe và hiệu quả thu hồi tài sản sẽ cao hơn.
Đối với tội nhận hối lộ, đại biểu chỉ ra, thực tiễn cho thấy đấu tranh với tội phạm này vẫn phải giữ hình phạt tử hình để có tác dụng răn đe và hiệu quả cao trong thu hồi tài sản.
Đại biểu nêu thí dụ, trong thời gian gần đây có hai vụ án, một là vụ án AVG thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tiền hối lộ 3 triệu USD, vụ án thứ hai là vụ án chuyến bay giải cứu với hơn 42,6 tỷ đồng. Cả hai vụ này đều một đặc điểm chung là sau khi tuyên án tử hình, bị cáo và gia đình bị cáo mới nộp khắc phục toàn bộ hậu quả.
“Chúng ta phải phân tích tại sao khi bị đề nghị án tử hình, người ta vẫn không nộp và đợi đến khi tuyên án tử hình ở sơ thẩm xong và trong phiên tòa phúc thẩm người ta nộp. Bởi vì, người ta cân đong đo đếm xem tòa có tuyên án tử hình không và người ta biết rằng, chặng cuối cùng nếu không nộp là chết”, đại biểu nêu vấn đề; đồng thời cho rằng rõ ràng án tử hình có hiệu quả.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, nếu bỏ án tử hình đối với tội danh này thì hiệu quả thu hồi tài sản có cao hơn không, có đánh giá tác động nào đối với việc bỏ những loại tội phạm này không?.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). (Ảnh: BÙI GIANG)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, đối với tội phạm tham nhũng, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là phải trừng trị thích đáng những đối tượng này. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giữ lại hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này.
Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng cho rằng cần phải duy trì hình phạt tử hình để bảo đảm tính răn đe và thu hồi tài sản tham nhũng như vụ SCB. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị xem xét nếu các bị cáo khắc phục toàn bộ thiệt hại thì có thể giảm án tử hình.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: BÙI GIANG)
Bày tỏ đồng thuận cao với việc quy định các tội danh trên có khung hình phạt chung thân không xét giảm án kết hợp với điều kiện khắc phục thiệt hại cũng như bảo đảm hiệu quả thu hồi tài sản, song đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn như phạm vi áp dụng chỉ trong những trường hợp đặc biệt có sự đánh giá khách quan từ nhiều cơ quan tư pháp; đồng thời không nên mở rộng việc miễn trừ hình phạt tuyệt đối nếu thiệt hại chưa được khắc phục căn bản.
“Cách tiếp cận này vừa giữ vững nguyên tắc thượng tôn pháp luật, vừa khẳng định quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi tham nhũng, tiêu cực”, đại biểu nêu rõ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tiếp thu, giải trình nội dung đại biểu quan tâm. (Ảnh: BÙI GIANG)
Phát biểu tiếp thu, giải trình nội dung đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, trong quá trình đề xuất các nội dung, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ nhiều mặt, trong đó có yêu cầu giảm án tử hình, tăng hình phạt tiền và thực tiễn phòng, chống tội phạm của cơ quan tố tụng.
Phó Thủ tướng cho hay, từ năm 2024, đã có 142/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ án tử hình trong quy định hoặc trên thực tế có quy định nhưng không áp dụng. Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất bỏ 8 tội danh là bước tiến rất dài trong quan điểm về chính sách hình sự đối với một số tội.
Nếu năm 1985, Bộ luật Hình sự đầu tiên có 44 tội danh tử hình, năm 1999 còn 29, năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn 18, kỳ này nếu Quốc hội cho phép bỏ đi 8 tội danh thì còn 10 tội danh tử hình.
"Đây là bước tiến rất dài trong thay đổi chính sách hình sự, đặc biệt với hình phạt nghiêm trọng nhất đó là tước bỏ quyền sống của con người", Phó Thủ tướng nói.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự vào 25/6.
THU HẰNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-giu-an-tu-hinh-voi-toi-tham-o-nhan-hoi-lo-post882677.html