Bày tỏ sự đồng tình cao về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra; bổ sung kế hoạch thanh tra công khai và chia sẻ thông tin với cơ quan kiểm toán Nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan trong quá trình thanh tra để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện.
“Trường hợp phát hiện có sự trùng lặp, chồng chéo, cơ quan thanh tra cấp trên có trách nhiệm phối hợp điều chỉnh hoặc tạm dừng kế hoạch thanh tra để đảm bảo rõ ràng, hiệu quả, tránh gây phiên hà cho đối tượng thanh tra,” đại biểu kiến nghị.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng hơn hành vi cố ý không quyết định thanh tra để tránh làm phiền. Ví dụ có bằng chứng việc cơ quan thanh tra nhận được thông tin tố giác rõ ràng nhưng không hành động trong thời gian nhất định, thì cần có cơ chế giám sát nội bộ, như yêu cầu thủ trưởng cơ quan thanh tra báo cáo định kỳ về trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng không quyết định thanh tra để đảm bảo tính minh bạch.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định báo cáo bằng văn bản với cơ quan cấp trên hoặc Thanh tra Chính phủ khi không có quyết định thanh tra dù có dấu hiệu vi phạm, trừ trường hợp thuộc bí mật Nhà nước, chức năng trách nhiệm giải trình…
“Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng về hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, ví dụ yêu cầu cung cấp tài liệu không liên quan đến việc thanh tra hoặc kéo dài thời hạn thanh tra không có nguyên nhân chính đáng. Mặt khác, cần có quy định về tiếp nhận và xử lý tố cáo từ đối tượng thanh tra về hành vi hối lộ, sách nhiễu thông qua hệ thống số hóa, đảm bảo bảo mật thông tin cho người tố cáo,” đại biểu đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) phát biểu thảo luận
Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội khi bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó cơ quan thanh tra tỉnh “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thi hành luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh để thống nhất với Quy định số 191-QĐ/TƯ để đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện sau này.
Về nguyên tắc hoạt động thanh tra trong khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật quy định, không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.
“Tôi cho rằng quy định như vậy chưa đầy đủ, vì thực tiễn ngoài hoạt động thanh tra còn có các hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và Ủy ban MTTQ các cấp cũng như các cơ quan thẩm quyền. Vì thế, việc quy định này cần làm rõ để không làm ảnh hưởng hoạt động của đối tượng thanh tra cũng như các tổ chức, cá nhân khác”, đại biểu kiến nghị.
Ngọc Minh