Thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc bỏ quy định về thẩm định phê duyệt dự án khả thi, tiền khả thi, phê duyệt chủ trương quy hoạch và cho rằng điều này là hoàn toàn cần thiết
Về giá bán nhà ở xã hội, đại biểu phân tích, theo quy định hiện hành các dự án nhà ở xã hội xây dựng xong móng mới được quyền bán nên giá bán tại thời điểm đó chỉ mang tính dự kiến. Doanh nghiệp dự kiến giá bán trình cơ quan nhà nước thẩm tra, sau khi xây dựng xong mới quyết toán, tính ra giá bán mới. Nếu giá này cao hơn giá công bố thì không được thu thêm, nếu thấp hơn thì phải trả lại cho người mua. Như vậy, cơ quan Nhà nước phải 2 lần thẩm tra giá bán nhà ở xã hội. Để giải quyết vấn đề đó, dự thảo Nghị quyết đã bỏ quy định này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thảo luận
Về quy đề xuất xây dựng Quỹ Nhà ở quốc gia (quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương), đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, do các dự án nhà ở xã hội có vốn sinh lợi thấp nên cần có quỹ này. Đặc biệt, nhà ở xã hội cho thuê thường có giá thấp, nhiều khi nguồn thu chỉ đủ để vận hành, duy trì nên không nhà đầu tư nào mặn mà. Do vậy, phải có Quỹ Nhà ở, trong đó ưu tiên các dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Về đề xuất giao trực tiếp dự án nhà ở xã hội cho nhà đầu tư, đại biểu cho biết, theo quy định hiện hành nếu có 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm đến cùng 1 dự án phải tổ chức đấu thầu. Dự thảo Nghị quyết cho phép chỉ định nhà đầu tư nhưng chỉ định đơn vị nào cần xem xét kỹ, có thể đưa ra tiêu chí ai xây dựng hoàn thành sớm hơn thì được nhận dự án.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu
Cùng cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho ý kiến về quy định dự án nhà ở xã hội được áp dụng trình tự thủ tục rút gọn, không qua đấu thầu. Theo đại biểu, để các dự án nhà ở xã hội đảm bảo chất lượng cần bổ sung trách nhiệm cơ quan chỉ định thầu vì điều này liên quan trực tiếp đến an toàn, tính mạng của người dân.
Về đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, do đối tượng rất rộng trong khi nguồn lực có hạn nên cần có tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng, có trình tự ưu tiên rõ ràng, tránh lợi dụng chính sách - đại biểu kiến nghị.
Về Quỹ Nhà ở Quốc gia, đại biểu đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, nguồn, cơ chế sử dụng, trách nhiệm trong quản lý quỹ, cơ chế thanh tra kiểm soát.
Về xác định giá bán, giá thuê, mua nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết đưa ra 3 vấn đề, đó là căn cứ phương pháp, xác định mức giá, nghiệm thu… nhưng nội dung vẫn còn chung chung. Đại biểu nêu thực tế từ việc người lao động và người thu nhập thấp để tiếp cận mua nhà ở xã hội này trong thời gian vừa qua còn rất hạn chế, nguyên nhân là do ngoài việc cơ chế đã khó để tiếp cận, còn mức giá để người lao động, người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở xã hội cũng khá bất cập…
Còn theo đại biểu Trần Việt Anh (đoàn Hà Nội), quá trình tham gia đoàn giám sát Luật Nhà ở 2014 đã cho thấy những tồn tại không nhỏ trong các dự án nhả ở xã hội, như việc các chủ đầu tư thường chỉ tập trung vào 20% diện tích đất dành cho nhà thương mại để bán, còn lại 80% đất dành cho nhà ở xã hội thì triển khai khá chậm. Điều này đã được dự thảo Nghị quyết giải quyết khá triệt để.
Đại biểu cũng cho rằng, do đối tượng được ở nhà xã hội và đối tượng sở hữu nhà ở xã hội là khác nhau, nên cần đặc biệt quan tâm đến việc cho thuê nhà ở xã hội.
Huệ Linh