Đại biểu Quốc hội đề xuất đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, y tế, giáo dục, an sinh xã hội

Đại biểu Quốc hội đề xuất đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, y tế, giáo dục, an sinh xã hội
7 giờ trướcBài gốc
Ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế trọng yếu
Việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát luật liên quan, nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tiếp tục nghiên cứu nội hàm, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế ngành trọng yếu của quốc gia, lĩnh vực kinh tế có thể khai thác hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan phát biểu.
Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu các nội dung liên quan đến chuyển nguồn ngân sách hệ thống các chính sách đặc thù đã ban hành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư quy định về vay vốn nhà nước, quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để làm cơ sở cho sửa đổi toàn diện và hoàn thiện các chính sách đặc thù.
Đại biểu Triệu Quang Huy phát biểu.
Đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) nêu thực tế, thực tế thời gian qua đã phát sinh vướng mắc trong việc phân bổ ngân sách trong một số nhiệm vụ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Đại biểu tán thành với Chính phủ cần thiết phải có giải pháp về khung khổ pháp luật để khắc phục sớm tình trạng ách tắc này. Tuy nhiên, đại biểu dẫn báo cáo giải trình của Bộ Tài chính và dự thảo luật trình ra tại phiên thảo luận này có nhiều nội dung nhiệm vụ chi phát sinh lớn, như chi phí chuẩn bị, chi phí xây dựng dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư…
"Đây là những nhiệm vụ từ trước đến nay đã được bố trí trong chi đầu tư, nay lại được bố trí từ nguồn chi thường xuyên sẽ không phù hợp về quy mô, tính chất, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tăng tỷ trọng chi thường xuyên lên rất cao, làm thay đổi và tác động đến cơ cấu chi ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng chúng ta sẽ giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư", đại biểu phân tích.
Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) thì đề nghị bổ sung thêm sử dụng nguồn thường xuyên để chi đầu tư các dự án mang tính cấp bách, đặc biệt là những năm cuối trung hạn đã chi hết nguồn đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc hằng năm.
“Hiện nay tỷ lệ chi đầu tư phát triển của nước ta chỉ chiếm 30% tổng chi, tỷ lệ này thấp so với các nước. Tăng tỷ lệ chi đầu tư là một nhiệm vụ chúng ta cần phải xem xét, cân nhắc trong thời gian tới", đại biểu nói và đề xuất cần có cơ chế để báo cáo việc sử dụng nguồn thường xuyên chi cho đầu tư.
Sẽ tiến hành sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước
Giải trình những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm về Luật Ngân sách nhà nước, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi để giải quyết ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thời hạn ngắn. Trong nhiệm kỳ tới, sẽ tiến hành sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách, tăng tính chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để tránh đầu tư dàn trải, phá vỡ chính sách tài khóa thì phải ban hành Luật Đầu tư công để vừa hướng dẫn trình tự thủ tục đầu tư, vừa quy định về kế hoạch đầu tư công.
Luật Đầu tư công sửa đổi lần này quy định kế hoạch đầu tư công trung hạn được xác định trên cơ sở cân đối tài khóa trong 5 năm, "tức là có tiền mới làm, không phải không có tiền vẫn làm", tăng hiệu quả đầu tư. Các khoản phát sinh trong năm ngân sách sẽ được bố trí để chi cho các dự án, công trình cần thiết mà chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lấy ví dụ trường hợp cầu Phong Châu bị sập, nếu theo Luật Đầu tư công hiện hành, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì sẽ không thực hiện được. Do đó, phải dùng nguồn dự phòng ngân sách, nguồn tiết kiệm thu để đầu tư, sớm hoàn thành công trình, bảo đảm hoạt động đi lại cho người dân.
"Đây là những yêu cầu của thực tiễn, vừa đáp ứng nhu cầu điều hành chính sách tài khóa, vừa bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực ngân sách của nhà nước", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Nhắc lại các khoản dự phòng, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, vượt thu ngân sách để chi cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, bão lụt, quốc phòng, an ninh và một số khoản chi khác, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi đã quy định rõ thẩm quyền quyết định các khoản này để minh bạch, rõ trách nhiệm, điều hành có hiệu quả.
THẢO PHƯƠNG - TRỌNG HẢI
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-dac-biet-uu-tien-cac-linh-vuc-kinh-te-trong-yeu-y-te-giao-duc-an-sinh-xa-hoi-801985