Đại biểu Quốc hội đề xuất gỡ nút thắt cho đầu tư tư nhân

Đại biểu Quốc hội đề xuất gỡ nút thắt cho đầu tư tư nhân
8 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề xuất, đối với công trình trọng điểm quốc gia, nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư để tăng tỷ trọng đầu tư tư đối với toàn xã hội. Ảnh: Quochoi.vn
Đầu tư tư chỉ đạt khoảng 7%
“Giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng năm 2024 là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Do đó, Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang).
Thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho hay, hiện nay chúng ta đang dành một nguồn lực rất lớn của xã hội, của nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển xã hội. Trong đó, đã dành một nguồn lực đầu tư công rất lớn để đầu tư về giao thông. Với một nguyên tắc, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, nhưng tỷ lệ phát triển tăng đầu tư tư đang ngày càng suy giảm.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, giai đoạn hiện nay tăng đầu tư tư chỉ đạt khoảng 7%, chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước. Tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư? Đại biểu cho rằng, cần làm rõ được điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào vào nền kinh tế. Trong đó, phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột và phải đầu tư doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
"Đối với công trình trọng điểm quốc gia, nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư để tăng tỷ trọng đầu tư tư đối với toàn xã hội" - đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho rằng, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm. Ảnh: Quochoi.vn
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho rằng, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm...
Đại biểu Trần Thị Quỳnh đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.
Mặt khác, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đại biểu Trần Thị Quỳnh đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên
Trong 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Chính phủ đã xác định: “Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng ,....”. đại biểu Quốc hội Vi Đức Thọ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La) đồng tình và nhất trí rất cao về các nhiệm vụ, giải pháp này.
Đại biểu Quốc hội Vi Đức Thọ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La). Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, đại biểu Vi Đức Thọ đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành sớm chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn từ huyện Mộc Châu - thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) trong năm 2024, 2025 và tổng hợp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, đảm bảo hoàn thành trước năm 2030. Đến năm 2030 ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đoạn tuyến cao tốc từ thành phố Sơn La đến tỉnh Điện Biên, tạo hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên theo Nghị quyết số 11 - NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị...
Theo đại biểu Vi Đức Thọ, tuyến đường bộ cao tốc đoạn từ huyện Mộc Châu - thành phố Sơn La là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy phát triển liên kết vùng; tiếp tục giúp cho các tỉnh phía Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng phát huy được tiềm năng, khơi thông nguồn lực, phát triển bền vững, tiến kịp với sự phát triển chung; là điều kiện quan trọng đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.
Với phân tích nêu trên, đại biểu Vi Đức Thọ mong rằng các địa phương, Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội, đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ, chia sẻ nguồn lực; tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên đảm bảo tiến độ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Hồng Thái
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-go-nut-that-cho-dau-tu-tu-nhan.html