Đại biểu Quốc hội: Giá đất 'nhảy múa' chưa từng thấy, rất kỳ lạ

Đại biểu Quốc hội: Giá đất 'nhảy múa' chưa từng thấy, rất kỳ lạ
2 giờ trướcBài gốc
Giá đất nhảy múa chưa từng thấy, rất kỳ lạ. Đó là nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 26-10, theo chương trình kỳ họp thứ 8.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói "giá đất nhảy múa chưa từng thấy"
Trước tình trạng này, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà quản lý giỏi về đất đai để bàn giải pháp nhằm "chặn đứng" các bất cập về giá đất. "Nếu không kịp thời ngăn chặn các vấn đề về giá nhà đất, sẽ gây tiêu cực rất lớn, từ giá đất sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác"- đại biểu Nguyễn Anh Trí lo ngại.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cũng nhấn mạnh vấn đề công bằng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, nhất là nhà ở đối với người có nhu cầu thực về nhà ở vẫn rất khó khăn trong thực thi do giá cả, cơ cấu chung cư nặng về nhà cao cấp, đắt tiền.
Theo nữ đại biểu, hiện thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà tái định cư bỏ hoang phí trong khi tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, nhà ở vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, các luật mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành nên chưa phát huy hết hiệu quả như cử tri mong đợi.
ĐB Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng nêu một số Luật được sửa để có hiệu lực thi hành sớm hơn như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... nhưng hiệu quả thì không như kỳ vọng, chưa kịp thời tháo gỡ các bất cập trên thực tiễn.
Ông Ấn cũng đặt vấn đề liệu có phải do khó tiếp cận nhà ở, thiếu nhà ở, không đủ khả năng nuôi con nêu nhiều người không sinh con, khiến mức sinh hiện nay của Việt Nam ở mức thấp. "Đây là vấn đề xã hội rất lớn, tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm toàn diện để có giải pháp"- ông Phạm Đức Ấn nêu.
Thảo luận tại tổ sáng nay, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian để đề cập đến tình trạng lãng phí hiện nay. Theo các đại biểu, lãng phí đang xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng "lãng phí còn trầm trọng", trong đó lãng phí thời gian rất phổ biến nhưng lại chưa có thước đo. Để ngăn chặn lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần có các quy định cụ thể về chế tài xử lý các hành vi lãng phí.
Đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh trong bài viết "Chống lãng phí" ngày 16-10 của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: "Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách".
Từ thực tế, đại biểu Yên cho biết việc chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể gây ra những hệ lụy cho an ninh năng lượng.
Trong khi đó, nhiều dự án điện tái tạo vẫn đang vướng mắc về thủ tục, chưa đưa vào khai thác chính là sự lãng phí rất lớn nguồn lực tài chính của xã hội, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển cũng như quy mô của nền kinh tế. Đại biểu đoàn Điện Biên kiến nghị cần được đánh giá xác đáng để có giải pháp giải quyết.
Minh Chiến - Văn Duẩn
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-gia-dat-nhay-mua-chua-tung-thay-rat-ky-la-196241026101616174.htm