Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An: 'Để Bộ GD-ĐT chủ động tuyển giáo viên là phù hợp với điều kiện thực tiễn'

Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An: 'Để Bộ GD-ĐT chủ động tuyển giáo viên là phù hợp với điều kiện thực tiễn'
8 giờ trướcBài gốc
Việc giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo, đang trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.
Theo Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An, quy định Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan “chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định” được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo là phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam hiện nay.
Bà An nhìn nhận, giai đoạn vừa qua, Bộ GD-ĐT không quản lý chung về vấn đề biên chế, không được chủ động tuyển giáo viên, phải chờ phân bổ chỉ tiêu từ Bộ Nội vụ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều này không phù hợp với điều kiện thực tiễn, dẫn đến tình trạng có nơi thừa, có nơi thiếu giáo viên; thậm chí ngay trong một trường cũng có tình trạng bộ môn này thừa giáo viên nhưng bộ môn kia lại thiếu. Như vậy, chất lượng đào tạo sẽ kém, kéo theo ảnh hưởng tới chất lượng nguồn lực.
“Việc quản lý của Bộ Nội vụ cũng tốt nhưng tôi cho rằng chưa phù hợp với sự phát triển của giáo dục, của từng địa phương. Bởi nơi nắm chắc nhất nhu cầu về giáo viên là Bộ GD-ĐT và địa phương đó. Bộ GD-ĐT với chức năng ngành, họ sẽ biết ở đâu thừa, ở đâu thiếu, ở đâu có nhu cầu giáo viên. Do đó, việc giao Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo là rất thích hợp”, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An nói.
Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh nên bổ sung thêm và quy định rõ khâu “chịu trách nhiệm toàn bộ” cho Bộ GD-ĐT trong vấn đề này, bên cạnh việc “chủ trì, phối hợp”. Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu rất kỹ đề án, nhu cầu của từng địa phương, nhu cầu của từng trường và có điều chỉnh thích hợp.
“Theo tôi, việc quản lý chung về số lượng giáo viên vẫn do Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền lương. Nhưng vấn đề tuyển dụng cụ thể ở từng nơi như thế nào thì Bộ GD-ĐT phải được thực hiện. Nếu làm được như vậy sẽ rất tốt”, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An bày tỏ quan điểm.
Bà cũng cho rằng, giao quyền cho Bộ GD-ĐT chủ động nhưng Chính phủ vẫn cần quản lý chung, tức là vẫn phải có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Theo Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An, Dự thảo Luật Nhà giáo đã bước đầu thể hiện được tinh thần của Kết luận 91 của Bộ Chính trị (Kết luận 91 nêu: “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục…”). Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét qua thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện mới có thể đánh giá Dự thảo đã thực hiện đầy đủ và đúng tinh thần Kết luận 91 hay chưa.
Bởi trên thực tế, quá trình thực hiện sẽ có thể nảy sinh các vấn đề. Từ văn bản, giấy tờ, lý thuyết đến thực tiễn có khoảng cách xa.
“Chúng ta vẫn luôn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, vẫn quan tâm đến đội ngũ giáo viên nhưng phải nói có những lúc, có những nơi, có những giai đoạn, có những địa phương chất lượng giáo dục không như mong muốn. Như vậy tức là có vấn đề trong đội ngũ giảng dạy cũng như trong việc tổ chức quản lý giáo dục. Cho nên đây chỉ là bước đầu để thực hiện tinh thần này, phải xem xét qua thực tiễn, qua quá trình tổ chức thực hiện như thế nào, nếu đánh giá thời điểm này là hơi sớm”, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An nhìn nhận.
Bày tỏ thêm các ý kiến góp ý liên quan đến Dự thảo Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An đề xuất nên đưa quy định làm rõ trách nhiệm của người làm công tác quản lý giáo dục.
Trên thực tế, công tác quản lý giáo dục rất nặng nề; có rất nhiều vấn đề có thể nảy sinh mà đều là vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu không làm hết sức, không làm hết tâm, không làm hết thời gian sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng quản lý giáo dục. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực của quốc gia.
“Tôi đề nghị các đồng chí đã chuyển sang công tác quản lý thì nên tập trung toàn bộ sức lực, tận tâm, hết lòng cho quản lý giáo dục. Không thể để xảy ra tình trạng trách nhiệm quản lý làm không hết nhưng lại đi tham gia thêm công tác giảng dạy hay những công việc khác. Chúng ta cần đội ngũ quản lý giáo dục vừa có trình độ, vừa có có tâm, vừa hết lòng và dành hết thời gian cho nhiệm vụ quản lý”, bà An nêu quan điểm.
Nguyễn Liên
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xiii-bui-thi-an-de-bo-gd-dt-chu-dong-tuyen-giao-vien-la-phu-hop-voi-dieu-kien-thuc-tien-post395681.html