Đại biểu Quốc hội lo ngại các 'ông lớn' bất động sản bắt tay tăng giá

Đại biểu Quốc hội lo ngại các 'ông lớn' bất động sản bắt tay tăng giá
2 giờ trướcBài gốc
Sáng 28-10, Quốc hội nghe báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; thảo luận tại hội trường về báo cáo này.
"Tay tung, tay hứng" đẩy giá lên cao
Nhìn nhận giá BĐS tăng cao đột ngột, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đánh giá là không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân. ĐB cho rằng, có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng BĐS của một nhóm lợi ích.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: QUANG PHÚC
Phân tích tình hình phát hành trái phiếu BĐS và dư nợ lĩnh vực này, ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng, thời gian tới thị trường BĐS chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường.
Do đó, ĐB đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường BĐS lành mạnh và đúng hướng.
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC
Trao đổi ý kiến về nguyên nhân tăng giá, ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân là do lực lượng môi giới tung tin, thổi giá. Những người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường lên. Các doanh nghiệp lớn đưa BĐS ra thị trường cùng bán với mức giá cao. "Họ một tay tung, một tay hứng", ĐB nói.
Về kê khai giá bán thấp hơn thực tế, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, tình trạng kê khai giá chuyển nhượng đất đai thấp hơn giá thực tế để trốn thuế vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, việc triển khai giám sát, kê khai giá khi công chứng và giá giao dịch BĐS thực tế rất khó khăn.
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị Chính phủ phải đưa hàng hóa BĐS của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp, thuộc đối tượng phải kê khai giá.
Đồng thời, ĐB đề nghị Chính phủ nghiên cứu thí điểm tại một số thành phố lớn như TP Hà Nội, TPHCM cơ chế quản lý các giao dịch BĐS chuyên nghiệp trở thành công cụ thực sự hữu hiệu nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường này.
ĐB Dương Khắc Mai đề nghị, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS… Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS công khai, dễ tiếp cận để người dân nắm rõ giá đất, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá.
Ước mơ an cư của hàng triệu người lao động
Về giải pháp phát triển nhà ở xã hội, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội.
Quỹ này được hình thành từ tiền sử dụng 20% đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại; từ trái phiếu chính phủ và các nguồn khác.
Theo ĐB, phải ưu tiên quỹ đất ở gần trung tâm, nhưng ít có lợi thế thương mại, để phát triển nhà ở cho thuê dành cho người thu nhập thấp.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương). Ảnh: QUANG PHÚC
Để đến năm 2030 hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị cần cơ chế chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là cho công nhân và lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu có chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển các công trình nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng theo mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát thải carbon thấp như nhiều quốc gia đã thực hiện.
Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để các chủ nhà trọ, các hộ gia đình cải tạo nâng cấp các phòng trọ, nhà trọ đạt tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước đáp ứng yêu cầu, ước mơ an cư bấy lâu nay của hàng triệu người lao động.
Tránh lãng phí nguồn lực
Đối với các dự án BĐS bị đình trệ, vướng mắc, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, không nên hợp thức hóa sai phạm, nhưng cũng cần nghiên cứu cách xử lý phù hợp đối với các công trình, dự án đã xảy ra sai phạm, tránh lãng phí nguồn lực.
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Lý Tiết Hạnh kiến nghị, Chính phủ cần đưa ra khung pháp lý đối với từng nhóm vướng mắc, giao thẩm quyền cho địa phương trong xử lý các dự án cụ thể, kể cả điều chỉnh quy hoạch để đưa các dự án vào khai thác, sử dụng phù hợp.
Đồng tình với ý kiến không hợp thức hóa sai phạm, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị phải tìm cơ chế, chính sách, biện pháp giải quyết các dự án chậm thực hiện, kéo dài vì nhiều lý do khác nhau để giải phóng tối đa nguồn lực cho sự phát triển.
Đồng thời, ĐB kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở.
Đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) kiến nghị tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch BĐS; đồng thời, thiết lập thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản. Theo ĐB, bây giờ là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QUANG PHÚC
Trước đó, ĐB Nguyễn Văn An (Thái Bình) cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc đánh thuế người sở hữu BĐS thứ 2 trở lên, nhằm điều tiết thị trường và tránh tình trạng đầu cơ.
VĂN MINH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-cac-ong-lon-bat-dong-san-bat-tay-tang-gia-post765680.html