Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 14/5 về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một trong những điểm nóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều là đề xuất bãi bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đối với chánh án tòa án nhân dân và viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Ngay từ những phút đầu của phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã đặt câu hỏi dứt khoát: "Không lẽ tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu vậy thì dân bị oan sai, sẽ nhờ cậy ai chất vấn để mà bảo vệ quyền lợi của họ?"
Theo bà, nếu bỏ quyền này, cử tri sẽ mất đi cơ chế hiếm hoi hiệu quả để yêu cầu cơ quan tư pháp tại địa phương phải trả lời, giải trình, chịu trách nhiệm trước dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Ảnh: trang tin Quốc hội
Không dừng lại ở đó, đại biểu Kim Thúy phản bác lập luận của ban soạn thảo khi cho rằng có thể thay thế quyền chất vấn bằng quyền kiến nghị.
Bà cho rằng việc đánh đồng giữa các hình thức giám sát là không thỏa đáng, bởi chất vấn mang tính chất trực tiếp, công khai, buộc người bị chất vấn phải trả lời, chịu trách nhiệm về câu trả lời, trong khi kiến nghị không có tính ràng buộc như vậy.
“Không có quyền chất vấn thì rất khó để yêu cầu chánh án hoặc viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND đối thoại công khai với đại biểu và cử tri,” bà nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cảnh báo nếu Hiến pháp bỏ quy định chất vấn của đại biểu HĐND đối với hai chức danh đứng đầu ngành tư pháp cấp địa phương, thì điều đó sẽ đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở đó, bà đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn trong Hiến pháp và giao luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới. Đây cũng chính là cơ chế kiểm soát quyền lực mà theo bà, "hiện chưa phát sinh vướng mắc".
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn)
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) thẳng thắn chỉ ra điểm bất hợp lý nếu cho rằng chất vấn làm ảnh hưởng tính độc lập tư pháp. "Nếu vậy thì vì sao đại biểu Quốc hội vẫn có quyền chất vấn chánh án tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao?", ông đặt vấn đề.
Đại biểu nhấn mạnh chất vấn không phải là can thiệp vào xét xử hay truy tố, mà là giám sát trách nhiệm quản lý, tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của chánh án và viện trưởng, đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị Quốc hội không chỉ giữ nguyên quyền chất vấn này mà còn nên mở rộng đối tượng bị chất vấn, bao gồm các cơ quan nhà nước khác như thuế, kho bạc, bảo hiểm xã hội… vì những cơ quan này dù tổ chức theo ngành dọc trung ương nhưng lại thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tại địa phương.
Theo bà, việc đảm bảo tính minh bạch và mở rộng đối tượng chất vấn giải trình ở cấp tỉnh là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, giúp cho việc giám sát việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước được hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương)
Một số ý kiến lo ngại việc không còn HĐND cấp huyện sẽ dẫn đến khoảng trống trong giám sát, nhưng theo đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), điều này càng làm tăng vai trò và trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh.
Ông lập luận: sau khi bỏ cấp huyện, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh sẽ phải bao quát cả các địa bàn khu vực rộng hơn, nên việc giữ lại quyền chất vấn không chỉ cần thiết mà còn phù hợp với khối lượng và phạm vi nhiệm vụ mới.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng đề xuất không bỏ quyền chất vấn trong cả Hiến pháp và luật tổ chức chính quyền, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quy phạm và thực thi tốt quyền giám sát của HĐND.
Điểm đáng chú ý là chưa có ý kiến nào phát biểu ủng hộ việc bỏ quyền chất vấn. Trái lại, đa số các đại biểu đều viện dẫn cả về lý luận và thực tiễn để giữ nguyên hoặc tăng cường quyền này, như một phần thiết yếu của kiểm soát quyền lực tại địa phương trong bối cảnh mô hình chính quyền đang có bước thay đổi mạnh.
Những phát biểu đầy thuyết phục tại hội trường cũng cho thấy tâm lý của cử tri và xã hội về nhu cầu giám sát hệ thống tư pháp địa phương là rất lớn sau khi bỏ cấp huyện.
Các đại biểu đề nghị không nên để một thiết chế quyền lực quan trọng như HĐND – vốn là đại diện trực tiếp của dân – bị cắt giảm công cụ giám sát trong khi mô hình tổ chức tòa án và viện kiểm sát lại đang mở rộng theo hướng khu vực hóa.
Kết thúc phiên thảo luận, mặc dù chưa có quyết định cuối cùng, nhưng bức tranh chung cho thấy ý chí chính trị của Quốc hội đang nghiêng về hướng giữ lại quyền chất vấn cho đại biểu HĐND cấp tỉnh như một công cụ bảo vệ quyền lực nhân dân ở cấp cơ sở.
Câu hỏi lớn còn lại là việc thể chế hóa quyền này trong luật chuyên ngành sẽ được thực hiện như thế nào để không dừng lại ở danh nghĩa mà phải trở thành cơ chế thực thi rõ ràng, hiệu quả.
Nhật Hạ