Đại biểu Quốc hội: Tăng hậu kiểm, hạn chế tình trạng doanh nghiệp 'ma'

Đại biểu Quốc hội: Tăng hậu kiểm, hạn chế tình trạng doanh nghiệp 'ma'
4 giờ trướcBài gốc
Chiều 10-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Nêu ý kiến góp ý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân thì có một số điểm cần bổ sung, sửa đổi để có sự đồng bộ.
Theo ông Nghĩa, khi nhắc đến Luật Doanh nghiệp là chủ yếu nhắc tới doanh nghiệp tư nhân. Và trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân, ngay cả các doanh nghiệp lớn thì họ cũng là tư nhân.
“Những nội dung của Nghị quyết 68 nói về phát triển kinh tế tư nhân nhưng thực tế các doanh nghiệp nhà nước cũng rất mong được áp dụng những cơ chế đó” – ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH
Tăng nghĩa vụ của doanh nghiệp với người lao động
Góp ý sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu Điều 8 dự thảo Luật về nghĩa vụ của doanh nghiệp có yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh… và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
“Vậy trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có sự thay đổi ngành nghề, bổ sung thêm hoặc bỏ bớt thì phải làm sao” – ông Nghĩa đặt vấn đề và cho rằng quy định này chưa chặt chẽ, cần tính toán lại.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn nghĩa vụ với người lao động. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra nhiều vụ doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội cho người lao động, thậm chí có doanh nghiệp nợ đến hàng chục năm, số tiền lên tới hàng trăm tỉ… đã gây bức xúc lớn.
“Doanh nghiệp đã xâm hại đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động” – đại biểu đoàn TP.HCM nói và đề nghị tại điều 8 cần quy định theo hướng “tuân thủ đầy đủ các quy định về chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…”
Tuy vậy, ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định dù có quy định thì phương thức triển khai, thực hiện, kiểm tra đôn đốc mới là khâu quan trọng. “Theo quy định, khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm của người lao động là có thể bị khởi tố hình sự. Có những doanh nghiệp nợ hàng chục năm với số tiền rất lớn, nếu họ phá sản thì coi như người lao động mất trắng” – ông Nghĩa nhấn mạnh và cho hay đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị khởi tố.
Chính vì vậy, một lần nữa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải tăng cường các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH
Dùng mã số định danh cá nhân đăng ký lập doanh nghiệp là phù hợp xu thế
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cũng nhìn nhận việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp lần này là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các nghị quyết 57, 66 và 68. Trong đó, hướng đến cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật và ít nhất 30% điều kiện kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp phân quyền hơn cho UBND các địa phương, tăng cường hậu kiểm, khắc phục một số tồn tại như về đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp 'ma'…
Đại biểu Ngân khẳng định khi môi trường kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp sẽ phát triển hơn.
Ông Ngân cũng nhắc đến việc chúng ta đang cơ cấu lại thị trường này, nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán, thị trường cổ phiếu trái phiếu. Tuy nhiên, thời gian qua đã có những “tổn thương rất lớn trên thị trường tài chính” vì sự thiếu minh bạch, do vậy sửa Luật lần này là rất cần thiết.
Góp ý cụ thể cho dự thảo Luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề cập đến quy định tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn, sử dụng chữ ký số theo quy định về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử; được sử dụng mã số định danh cá nhân để đăng ký thành lập doanh nghiệp…
“Đây là một hướng phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay” – theo đại biểu Ngân.
Cạnh đó, theo ông Trần Hoàng Ngân, việc hoàn thiện quy định về chủ sở hữu hưởng lợi là cấp bách, để Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền, trong bối cảnh Việt Nam đã bị đưa vào "danh sách xám" của FATF (Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) từ tháng 6-2023.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: QH
Chỉnh sửa quy định phù hợp với thông lệ quốc tế
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (cùng đoàn TP.HCM) đề nghị cân nhắc việc sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, điểm a khoản 14 Điều 4 dự thảo Luật thay cách xác định theo giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó bằng giá giao dịch bình quân trong vòng 30 ngày đối với cổ phiếu đã niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán.
“Giá bình quân trong 30 ngày có thể không phản ánh chính xác giá trị tài sản” – ông Hiển nói và cho biết để xác định giá thị trường, dự thảo Luật quy định nhiều phương thức khác nhau như giá bình quân; giá thỏa thuận giữa người bán, người mua… Tuy nhiên, dự thảo lại chưa quy định cách thức lựa chọn trong trường hợp giá thị trường xác định theo mỗi phương thức nêu trên cho kết quả khác nhau.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng việc xác định giá thị trường hay giá trị hợp lý là một vấn đề phức tạp và đã được quy định chi tiết trong chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mà Việt Nam đang nghiên cứu áp dụng bắt buộc cho một số loại doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị cân nhắc chỉnh lý các quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế. Trường hợp cần thiết vẫn quy định cách xác định giá thị trường như hiện nay thì cần bổ sung cách tính giá thị trường nào sẽ được ưu tiên áp dụng khi các cách tính cho ra giá khác nhau” – ông Hiển đề xuất.
Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung quy định cho phép công ty được giảm vốn điều lệ khi hoàn lại vốn góp cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép công ty phát hành cổ phần ưu đãi khác và cổ phần ưu đãi khác có thể cũng có tính năng hoàn lại.
Từ đó, ông Hiển đề nghị bổ sung quy định cho phép công ty cổ phần giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần ưu đãi khác cũng có tính năng hoàn lại tương tự như trường hợp mua lại cổ phần ưu đãi hoàn lại.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tang-hau-kiem-han-che-tinh-trang-doanh-nghiep-ma-post849077.html