Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà giáo

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà giáo
6 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận về dự án Luật Nhà giáo
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An đồng tình với nội dung của dự thảo Luật sau khi chỉnh lý. Đại biểu nhấn mạnh dự án Luật đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đã được tỉnh Cao Bằng triển khai lấy ý kiến của 11.633 viên chức, với 10.093 ý kiến góp ý gửi cơ quan soạn thảo. Việc xây dựng Luật Nhà giáo có ý nghĩa thực tế rất to lớn, được đội ngũ nhà giáo kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục. Đông đảo cử tri ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cao Bằng mong Luật sớm được hoàn chỉnh, thông qua để đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng nhà giáo, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Đại biểu góp ý, kiến nghị nội dungtại điểm b, khoản 1 Điều 14 nêu “Phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm”; việc bắt buộc phải có thực hành sư phạm chưa thực sự hợp lý vì: thực hành sư phạm được hiểu là thực hiện các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, nội dung này người học ngành học sư phạm đã được thực tập sư phạm và được công nhận kết quả thực hành sư phạm, mặt khác tại điểm a, khoản 2 Điều 9 Nghị định 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ quy định: “Vòng 2, thi môn nghiệp vụ chuyên ngành; hình thức thi, căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn một trong 3 hình thức thi (vấn đáp, hoặc thực hành, viết). Trường hợp lựa chọn hình thức thi viết thì được lựa chọn một trong 3 hình thức: trắc nghiệm hoặc tự luận hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận.
Vì vậy, quy định cứng phải có thực hành sư phạm là chưa hợp lý, dùng phương thức này sẽ khó khăn cho các đơn vị tuyển dụng nếu số lượng thí sinh đăng ký quá lớn, đặc biệt, theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT giao cho Sở GD&ĐT tuyển dụng viên chức cho toàn ngành, sẽ mất rất nhiều thời gian để tổ chức thực hành, dẫn đến không đảm bảo tiến độ tuyển dụng.
Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu để các địa phương lựa chọn một trong 3 hình thức theo quy định tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phù là hợp lý và có nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn cho các đơn vị khi thực hiện tuyển dụng.
Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung “Điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập” (Điều 19) và “Thuyên chuyển nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập” (Điều 21), 2 khái niệm này cơ bản tương đồng; nội dung điểm a, khoản 1, Điều 27 quy định “trình độ cao” và “kỹ năng cao” là những trình độ, kỹ năng nào, việc không quy định rõ ràng sẽ gây khó khăn cho cơ quan tuyển dụng khi thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng đối với người dự tuyển; đề nghị điều chỉnh hoặc làm rõ nội dung quy định tại điểm d khoản 2, Điều 7 “Phục vụ cộng đồng” vì tại khoản 1 Điều này đã quy định hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo hướng đến đối tượng là người học; nội dung “Phục vụ cộng đồng” chưa rõ/đúng đối tượng trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Đối với nội dung tại khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật Nhà giáo: “Đối tượng được tiếp nhận làm nhà giáo bao gồm những trường hợp được tiếp nhận làm viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức và đối tượng hưởng chính sách thu hút, trọng dụng quy định tại khoản 1, Điều 27”, đề nghị điều chỉnh thành: “Đối tượng được tiếp nhận làm nhà giáo bao gồm những trường hợp được tiếp nhận làm viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức”.
Bỏ đối tượng hưởng chính sách thu hút, trọng dụng quy định tại khoản 1, Điều 27 thuộc diện tiếp nhận làm nhà giáo. Với lý do, các trường hợp tại khoản 1, Điều 27 dự thảo Luật Nhà giáo cần thực hiện theo quy định về tuyển dụng nhà giáo, không áp dụng các quy định về tiếp nhận nhà giáo.
Nguyễn Thúy
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-doan-thi-le-an-phat-bieu-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-du-an-luat-nha-giao-3176998.html