Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 6/5 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường.
Tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào Điều 16 (Tuyển dụng nhà giáo). Cụ thể, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, quy định về trình độ, tập sự và thử việc có hai vấn đề cần xem xét:
Một là, xét các quy định ngay trong Dự thảo Luật, tại Điều 14, về tuyển dụng nhà giáo thì được căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Chuẩn này được quy định tại Điều 13. Theo đó, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo được đánh giá dưới 3 góc độ tiêu chuẩn: đạo đức nhà giáo; trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Khi người trúng tuyển đáp ứng các tiêu chuẩn này và qua hoạt động thực hành sư phạm theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 14 thì sẽ được tuyển dụng. Người được tuyển dụng lúc này đã có đủ năng lực để giảng dạy và giáo dục, tức là họ có thể làm việc được ngay. Vì thế, nếu áp dụng chế độ thử việc sẽ có thể gây thiệt thòi cho người trúng tuyển. Ví dụ như việc không được hưởng 100% lương trong thời gian tập sự. Tại Báo cáo số 1256 ngày 17/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu: Kết quả thực hành các hoạt động dạy học, giáo dục của nhà giáo tập sự, thực hiện là cơ sở quan trọng để đánh giá đầy đủ năng lực, phẩm chất ở mức độ phù hợp của người trúng tuyển đối với vị trí việc làm của nhà giáo. Giải trình này có thể làm cho việc tuyển dụng trước đó đối với nhà giáo là chưa đánh giá đầy đủ năng lực, phẩm chất của người dự tuyển. Tức là, mặc dù đã đủ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo nhưng vẫn phải tiếp tục thử thách. Như vậy, thủ tục để chính thức tuyển dụng được một nhà giáo bị kéo dài về thời gian, thêm người, thêm việc. Điều đấy là chưa phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
Hai là, so sánh với quy định của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) thì tại khoản 3, Điều 22 đã quy định: Người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và sau đó công chức không phải thực hiện chế độ tập sự. Trong khi đó, nhà giáo mặc dù đã đáp ứng các chuẩn nghề nghiệp tuy nhiên vẫn phải thực hiện chế độ tập sự. Như thế, giữa hai luật này, chính sách tuyển dụng đối với công chức và đối với nhà giáo là không tương đồng.
Do đó, căn cứ vào những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, không quy định chế độ tập sự, thử việc đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Tin: Văn Trọng, Ảnh: PV