Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận tại tổ

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận tại tổ
5 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 23/5 - Ảnh: TT
Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ sự thống nhất cao với các nội dung trong Báo cáo số 293/BC-CP ngày 02/5/2025 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng rất quan tâm đến vấn đề khi Tổng thống Trump tuyên bố áp mức thuế suất 46% đối với Việt Nam (ngày 2/4/2025).
Đại biểu nhấn mạnh, qua tham khảo một số tính toán của chuyên gia kinh tế thì trong trường hợp kịch bản xấu nhất, là Việt Nam đàm phán thất bại, tức vẫn bị đánh thuế 46% thì chúng ta sẽ mất khoảng 200 nghìn việc làm trong nước. Lúc đó, các biện pháp của Việt Nam sẽ tập trung vào việc giảm thuế quan, tăng mua sắm công đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại, và chống hàng hóa nước khác trung chuyển qua Việt Nam để vào Mỹ.
Nhưng vấn đề đáng lo là, mục tiêu đàm phán để giữ được tối đa thị trường Hoa Kỳ cho hàng hóa của Việt Nam, nhưng cũng không vì thế mà gây tác động tiêu cực đến quan hệ với các đối tác khác.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, thời gian đàm phán rất ngắn và chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề chưa thể làm kỹ. Do đó, để sớm tăng mua hàng hóa của Hoa Kỳ, đề nghị Quốc hội xem xét, trao quyền cho Thủ tướng quyết định việc miễn thủ tục đấu thầu, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm công hoặc chỉ định nhà đầu tư các dự án. Điều này sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh được tốc độ cải thiện chênh lệch thương mại với Hoa Kỳ.
Đối với vấn đề chống trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam, đề nghị Chính phủ quyết liệt trong việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa và phải minh bạch quy trình này nhằm tạo niềm tin cho các đối tác thương mại rằng Việt Nam không phải là nơi để các bên “rửa nguồn hàng”. Đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan thì nên cố gắng tập trung tạo thuận lợi tối đa cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Một vấn đề khác đại biểu cho rằng cũng cần đặc biệt quan tâm là thị trường vàng. Vàng từng được coi là “nơi trú ẩn an toàn” nhưng đến nay thì vàng cũng là một tài sản bấp bênh, báo chí từng thông tin có người lỗ hàng trăm triệu chỉ trong vài ngày do biến động khó lường của loại tài sản này, việc giá vàng tăng mạnh sẽ tạo ra những tác động sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân. Khi giá vàng gia tăng, những người nắm giữ vàng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng giá này. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực cũng không thể bỏ qua.
Đại biểu nhận định, sự gia tăng giá vàng sẽ dẫn đến áp lực lạm phát lớn. Hàng hóa tiêu dùng sẽ trở nên đắt đỏ hơn do giá trị vàng cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và phân phối. Điều này sẽ gây suy giảm sức mua của người dân, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho đại bộ phận người dân. Vì vậy, Việt Nam cần chủ động xây dựng một chiến lược dài hạn để ổn định nền kinh tế, tránh bị cuốn vào những cơn sóng đầu cơ vàng, và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, đại biểu cho rằng, nếu không có đột phá về môi trường kinh doanh thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng dài hạn hai con số trong hai thập kỷ tiếp theo sẽ khó có thể đạt được.
Thậm chí, nếu chúng ta cứ giữ mục tiêu tăng trưởng cao trong các năm 2026, 2027 mà sử dụng các biện pháp về tài khóa, tiền tệ thì rủi ro vĩ mô rất lớn. Việc tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư phải được coi là trọng tâm của trọng tâm khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm. Đề nghị Chính phủ phải rất quyết liệt trong việc này. Cần lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật để đề xuất tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư dự án, tập trung vào việc cắt giảm, hợp nhất hoặc liên thông thủ tục hành chính.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 23/5 - Ảnh: TT
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đánh giá cáo những điểm sáng trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH trong năm 2024 và quý I năm 2025, điều đó thể hiện tính hiệu quả trong công tác điều hành của Chính phủ và sự quyết tâm của toàn xã hội. Đại biểu cũng thể hiện sự tin tưởng với việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH mà Quốc hội đã đặt ra trong năm 2025. Tuy nhiên đề nghị, cần đánh giá kỹ lưỡng về các tác động không mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước đến tình hình phát triển KT-XH.
Đại biểu nhấn mạnh, cần phải sớm tập trung kiện toàn cho bộ máy nhân sự mới ở các đơn vị hành chính thuộc diện sáp nhập để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý, vận hành tổ chức bộ máy mới nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH đã đề ra và tạo điều kiện tốt nhất, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ công và thực hiện các dự án đầu tư không bị gián đoạn.
Một nội dung khác cũng được đại biểu quan tâm đó là, việc quản lý, sử dụng tài sản công và phương án xử lý đối với các trụ sở dôi dư sau sáp nhập các đơn vị hành chính; đại biểu cho rằng, việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trụ sở dôi dư sẽ thuận lợi hơn việc xử lý đối với các tài sản trên đất vì công năng sử dụng của các cơ quan nhà nước sẽ có những tính chất đặc thù, khác biệt. Liên quan đến các chế độ, chính sách hỗ trợ cho CBCC chịu ảnh hưởng bởi công tác sắp xếp tổ chức bộ máy như: việc đi lại, nhà ở công vụ...
Chính phủ cần nghiên cứu trình Quốc hội xem xét một quyết sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ CBCC phải di chuyển đến trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới tương tự như chính sách hỗ trợ đối với CBCC xin nghỉ việc, thôi việc phục vụ cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy mà chúng ta đã và đang triển khai rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc hạn chế phải di chuyển hàng trăm km đến trung tâm hành chính mới, giảm thiểu khó khăn cho CBCC và giảm áp lực về cơ sở hạ tầng, vật chất tại trung tâm hành chính - chính trị mới, đề nghị trong giai đoạn đầu Chính phủ xem xét có sự chỉ đạo thống nhất để các địa phương triển khai thực hiện, trong đó, xem xét duy trì hoạt động của các văn phòng 2 tại các đơn vị hành chính cũ.
Trong năm 2025, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là chủ trương về “Bộ tứ chiến lược”, đất nước đang tập trung nhiều nguồn lực tài chính vào các dự án trọng điểm quốc gia với tinh thần quyết tâm cao, thi công với tiến độ nhanh nhất. Tuy nhiên, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm soát, giám sát nhằm tránh tình trạng nãy sinh các lổ hổng dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, không phát huy được hiệu quả các nguồn lực tài chính.
Liên quan đến những tác động của chính sách thuế của Hoa Kỳ đối với các hàng hóa của Việt Nam, đại biểu đề xuất Chính phủ cần sớm báo cáo chuyên đề với Quốc hội về các phương án chủ động ứng phó đối với các mức thuế mà Hoa Kỳ có thể áp dụng đối với Việt Nam để đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa vấn đề việc làm trong nước, vấn đề an sinh xã hội và đặc biệt là đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025.
Trường Sơn – Thanh Tuân
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-tham-gia-thao-luan-tai-to-193865.htm