Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia ý kiến vào các dự án luật

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia ý kiến vào các dự án luật
7 giờ trướcBài gốc
Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ quan điểm thống nhất với sự cần thiết của việc xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 21/5 - Ảnh: TS
Đại biểu nhấn mạnh, dự án luật cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng tính độc lập của các tổ chức thành viên với tổ chức MTTQVN vì điều này sẽ tác động trực tiếp đến các mối quan hệ, cách thức làm việc sau này giữa các tổ chức thành viên và UBMTTQVN.
Theo đại biểu, vai trò chủ đạo của cơ quan MTTQVN là chủ trì và hoạt động theo các nguyên tắc cốt lõi, cơ bản nhất chính là hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên; điều này sẽ góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên.
Liên quan đến quy định tại khoản 4, Điều 1 sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2 Điều 6 của dự thảo “... có MTTQVN xã, phường và đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã)...”, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét chỉnh lý như sau: “có MTTQVN xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã) và Ủy ban MTTQVN tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” để bảo đảm thống nhất với quy định về mô hình chính quyền địa phương tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp này.
Đối với quy định tại khoản 1, Điều 4 của dự thảo luật quy định “...2. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị."
Theo đại biểu, dự thảo chưa quy định cơ chế ràng buộc trách nhiệm xử lý kết quả sau giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, tránh tình trạng giám sát nhưng không có hành động tiếp theo.
Để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch – một nội dung cốt lõi trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đề nghị bổ sung quy định về xử lý kết quả thanh tra của Ban Thanh tra nhân dân, cụ thể như sau: “2. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị và kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có biện pháp xử lý các nội dung phát hiện qua giám sát. Kết quả xử lý phải được thông báo công khai tại cơ quan, đơn vị”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 21/5 - Ảnh: TS
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, bày tỏ sự thống nhất với các nội dung của dự thảo nghị quyết thí điểm về cơ chế phát triển nhà ở xã hội. Đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội đưa ra chủ trương thí điểm các cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ các nút thắt kéo dài trong lĩnh vực nhà ở xã hội - vấn đề cấp thiết gắn với an sinh xã hội, ổn định thị trường lao động và phát triển bền vững.
Về nội dung cụ thể, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia (Điều 4) là chủ trương đúng khi tạo nguồn vốn chủ động từ ngân sách Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ về cơ chế vận hành, mô hình tổ chức, tiêu chí phân bổ vốn, cũng như giám sát và trách nhiệm giải trình của quỹ nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tránh hình thức.
Đối với cơ chế giao chủ đầu tư không qua đấu thầu (Điều 5), đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ sự ủng hộ nhằm rút ngắn thủ tục, thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, lưu ý cần làm rõ tiêu chí đánh giá năng lực chủ đầu tư để tránh giao dự án cho các đơn vị yếu kém, thiếu kinh nghiệm gây lãng phí và ảnh hưởng chất lượng dự án. Đồng thời, đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tiến độ, chất lượng dự án.
Về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội (Điều 8), đại biểu kiến nghị quy định chặt chẽ hơn việc thẩm tra, kiểm toán chi phí đầu tư làm cơ sở xác định giá bán, nhằm tránh tình trạng đẩy giá vượt khả năng chi trả của người thu nhập thấp. Đề nghị bổ sung cơ chế kiểm soát lợi nhuận thực tế thay vì chỉ quy định “lợi nhuận định mức”.
Đại biểu cũng góp ý về điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ (Điều 9), cho rằng quy định khoảng cách 30 km là hợp lý nhưng cần linh hoạt điều chỉnh cho từng địa phương, nhất là vùng núi, hải đảo có điều kiện đi lại khó khăn, để đảm bảo công bằng và tính thực chất trong hỗ trợ.
Về tổ chức thực hiện và giám sát (Điều 13), đại biểu kiến nghị bổ sung quy định giao Chính phủ công bố công khai hàng năm danh sách các dự án nhà ở xã hội được hưởng chính sách đặc thù, bao gồm tiến độ, vốn, giá bán, nhằm tăng cường giám sát xã hội, hạn chế trục lợi chính sách.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đồng tình với thời hạn 5 năm cho nghị quyết thí điểm (Điều 14) là phù hợp để thử nghiệm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị thiết kế sẵn các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả thí điểm ngay từ đầu làm căn cứ tổng kết, nhân rộng hoặc điều chỉnh phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đàn phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 21/5 - Ảnh: TS
Cùng tham gia thảo luận Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại tá Nguyễn Hữu Đàn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, bày tỏ sự thống nhất cao và ủng hộ đối với nghị quyết.
Đại biểu nhận định đây là bước tiến quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở, nhất là cho các đối tượng thu nhập thấp, nhóm yếu thế cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Đại biểu cảnh báo về nguy cơ phát sinh kẽ hở trong quá trình thực thi, dẫn đến lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực và lãng phí nguồn lực. Vì vậy, đề nghị dự thảo bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng cơ chế phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ tài sản Nhà nước và đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực thi nghị quyết.
Đại biểu cũng lưu ý về chính sách Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư khi có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất (Điều 11). Đây là chính sách ảnh hưởng lớn đến ngân sách quốc gia nhưng chưa được đánh giá đầy đủ, chưa có báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền và quy định thời điểm hoàn trả chưa rõ, dễ dẫn đến tùy nghi thực thi, rủi ro thất thoát, tiêu cực. Do đó, đại biểu kiến nghị quy định rõ việc hoàn trả chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ dự án, đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
Một điểm đáng chú ý trong ý kiến của đại biểu là đề xuất mở rộng đối tượng thuê nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Đại biểu cho rằng việc sáp nhập tạo áp lực lớn về ổn định đời sống cán bộ trực tiếp làm việc tại cơ sở - lực lượng quản lý, phục vụ Nhân dân. Chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho nhóm này không chỉ mang tính nhân văn mà còn là chiến lược củng cố bộ máy quản lý Nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đàn tin tưởng rằng, nếu bổ sung đầy đủ các nội dung này, nghị quyết không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn tạo niềm tin vững chắc, thúc đẩy phát triển bền vững xã hội và kinh tế. Nhà nước không chỉ là kiến tạo chính sách mà còn bảo vệ nguồn lực, đảm bảo quyền lợi người dân và cán bộ công chức, để mỗi “viên gạch” nhà ở xã hội trở thành biểu tượng của sự quan tâm và trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Trường Sơn – Thanh Tuân
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-tham-gia-y-kien-vao-cac-du-an-luat-193801.htm