Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn. Ảnh: Thanh Thủy
Dự phiên thảo luận có các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các vị đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại biểu đại diện Thường trực HĐND các tỉnh và thành phố.
Dự phiên thảo luận về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình. Cùng dự có đồng chí Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Pháp chế-HĐND tỉnh Ninh Bình.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Hoàng Văn Kiên và đại diện Thường trực HĐND một số tỉnh, thành dự thính phiên làm việc sáng 28/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Thanh Thủy
* Trong phiên thảo luận đã có 24 lượt đại biểu phát biểu ý kiến và 9 lượt đại biểu tranh luận; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát và nỗ lực của Đoàn giám sát, sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để Đoàn giám sát hoàn thành nhiệm vụ, kết quả giám sát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến việc phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cho người dân. Giai đoạn 2015 - 2023, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thay đổi bộ mặt đất nước, đô thị và nông thôn; thị trường bất động sản đã tạo ra một khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước, vào quá trình xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển nhà ở xã hội cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu chỗ ở cho người có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, các đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh…
Một số đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội. Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân…
* Trong phiên làm việc buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thanh Thủy
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật. Đại biểu bày tỏ nhất trí với việc sửa đổi khoản 2, điều 11: “Chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định tại các điểm đ, e và điểm g khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định; chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định từ điểm h đến điểm r khoản 1 Điều này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét quy định chi tiết về mục đích, nội dung, phạm vi mà Chính phủ sẽ quy định chi tiết cụ thể, như quy định chi tiết về tiêu chuẩn chức danh, chức vụ tương đương, chế độ lương, phụ cấp, chế độ ưu tiên về chức danh biên chế, chức danh tương đương…
Trên cơ sở đó, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, tránh gây những khó khăn sau này khi có vướng mắc với một số luật khác.
Góp ý về quy định “hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm”, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn một số nội dung về những lĩnh vực đặc thù đối với những trường hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ làm suy giảm khả năng lao động thì cần có quy định riêng.
Góp ý về quy định trong dự thảo: “Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể, khách quan cần xác định rõ về trường hợp nào là trường hợp đặc biệt và thời hạn kéo dài tối đa là bao nhiêu. Ngoài ra, đại biểu đề nghị với nội dung này nên có những quy định nguyên tắc về chế độ, chính sách với người được kéo dài thời hạn công tác, làm cơ sở để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Về hiệu lực thi hành, đại biểu đề nghị Luật sẽ có hiệu lực thi hành ngay kể từ khi được Quốc hội thông qua, qua đó góp phần chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Theo dự kiến, sau phiên thảo luận ở tổ, ngày 5/11, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường, sau đó sẽ thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào đợt hai của kỳ họp, ngày 27/11.
Mai Lan
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-404401.htm