Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh họp phiên thảo luận với Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk. Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp thảo luận với Tổ 13
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu. Đồng thời bám sát quan điểm tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định sửa đổi phải được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.
Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham dự phiên thảo luận tại tổ
Thảo luận tại Tổ 13, các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu như Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu cũng đề nghị hết sức lưu ý, giải trình thấu đáo những vấn đề liên quan đã được Ủy ban Kinh tế đưa ra trong báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ.
Cụ thể, đại biểu Triệu Quang Huy nhất trí báo cáo, thống nhất với nội dung hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét, rà soát đối với các nội dung liên quan đến sử dụng kinh phí ngân sách trong các hoạt động cho thống nhất với Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công đang sửa đổi kỳ này, đặc biệt rà soát kỹ các nội dung liên quan đến chi thường xuyên.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, tại khoản 14, Điều 3 dự thảo Luật đã bổ sung thêm 4 trường hợp được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, trong đó bao gồm 3 trường hợp từ khoản 2 Điều 53 Luật PPP hiện hành, cụ thể gồm: dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án PPP; vì lợi ích quốc gia; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước; trường hợp khác do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự, các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên, tại dự thảo luật cũng quy định kèm theo một điều kiện là: “hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng”. Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện “hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng”, để đảm bảo trường hợp dự án PPP nào đó nếu nằm trong một trong 3 trường hợp nêu trên đều được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Theo đại biểu, cơ bản 3 trường hợp nêu trên đều xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, không mong muốn, vì đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, hoặc do hoàn cảnh thanh đổi theo quy định của pháp luật về dân sự. Do vậy, đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này để tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành, phát sinh vướng mắc, đang triển khai thực tiễn tại một số địa phương, đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất cân nhắc cụ thể hóa thành một quy định tại dự thảo Luật sửa đổi lần này. Hoặc có thể cân nhắc phương án Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, trình, để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng bày tỏ thống nhất với nội dung dự thảo Luật đã bổ sung quy định cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia một số dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70% và đã bổ sung thêm cả trường hợp dự án được thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
THANH HUYỀN - VP.Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh