Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Cho ý kiến dự thảo nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá đây là chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục, tiếp tục khẳng định rõ cam kết của Nhà nước đối với quyền học tập của công dân, nhất là trẻ em vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo.
Các đại biểu cho rằng, nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí là "chủ trương rất đúng, thể hiện tính ưu việt của chế độ" và mang lại sự phấn khởi cho người dân, đảm bảo công bằng giữa các loại hình giáo dục và vùng miền, tạo sự công bằng cho xã hội và tạo điều kiện để người yếu thế được học tập, nâng cao trình độ, như vậy chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai sẽ được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ.
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các nội dung của nghị quyết, đại biểu đề nghị Chính phủ cân đối nguồn, hiện nay có địa phương có thể lo được nhưng có địa phương không thể bố trí được nguồn và cũng cần có hướng dẫn nguồn được lấy từ đâu. Nếu lấy từ thuế, lệ phí không đủ, thì có thể lấy nguồn thu từ đất không và Trung ương có sự hỗ trợ như thế nào? Bên cạnh đó, để giảm gánh nặng cho Nhà nước, cần quan tâm phát triển hệ thống giáo dục tư thục, đặc biệt có cơ chế chính sách đồng bộ, tạo điều kiện cho hệ thống này phát triển…
Đại biểu cũng đề xuất mức hỗ trợ học phí cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, ít nhất phải bằng mức hỗ trợ cho công lập để khuyến khích sự phát triển của các loại hình trường này. Đồng thời, cần xem xét chính sách ưu đãi hơn đối với các đối tượng khó khăn, dễ bị tổn thương như học sinh nghèo, khuyết tật, vùng sâu vùng xa.
Cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi.
Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo khi xây dựng dự thảo nghị quyết đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội nhằm bảo đảm cho trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý, sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em, thể hiện tính ưu việt của chế độ và chủ trương bảo đảm công bằng tiếp cận trong giáo dục.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý về khả năng cân đối nguồn lực. Đại biểu đề nghị Chính phủ "phải có một bài toán tổng thể" trong giai đoạn 2026 - 2030 để đảm bảo tính khả thi trong triển khai. Ngoài ra, phải xem xét kỹ vấn đề liên quan đến khả năng và bố trí ngân sách của địa phương để thực hiện chương trình, vì ngân sách địa phương khi tham gia không phải chương trình này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, để thực hiện các chủ trương lớn với nguồn lực hạn chế, cần đặc biệt chú trọng đến việc "huy động nguồn lực xã hội", không chỉ về tài chính mà cả về nhân lực như đội ngũ tình nguyện viên, chuyên gia ngành Giáo dục.
Góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, đại biểu cho rằng, việc kéo dài miễn, giảm tiền đất đến ngày 31-12-2030, tạo điều kiện cho sử dụng đất và người dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Quang cảnh thảo luận tại tổ.
Đại biểu thống nhất với chủ trương tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, nhưng đề nghị nên nghiên cứu kéo dài thời gian thêm.
Đại biểu cho biết khi đi tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm xem xét để được miễn tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp trong cả thời gian mà người nông dân được giao đất.
Đại biểu đề nghị cố gắng nghiên cứu, xem xét kéo dài miễn thuế cho nông dân đến năm 2035 thay vì chỉ gia hạn từng giai đoạn ngắn nhằm giúp cho nông dân đỡ chi phí và gắn bó với nông nghiệp hơn.
Nhìn chung, phiên thảo luận tổ đã ghi nhận nhiều lượt phát biểu sâu sắc và thẳng thắn từ các đại biểu. Những ý kiến đóng góp không chỉ bám sát nội dung nghị quyết mà còn gợi mở nhiều giải pháp cụ thể để đảm bảo các chủ trương lớn đi vào thực tiễn một cách hiệu quả; đồng thời, phản ánh tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri.
THU HOÀI - MINH TRÍ