Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn ĐBQH Đắk Nông. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn ĐBQH Đắk Nông: Giáo viên phải kiêm việc thu tiền BHYT
Luật hiện hành có nhiều quy định về việc học sinh được ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT. Tuy nhiên trên thực tế, đã phát sinh một số vấn đề như: Việc xác định, quản lý đối tượng học sinh tham gia; việc nhà trường thu tiền đóng BHYT của các em, cũng là một áp lực lớn. Đôi khi, giáo viên phải nhắc, thậm chí phải “nài nỉ” phụ huynh đóng tiền BHYT cho con, khiến phát sinh nhiều tình huống không đáng có. Nếu phụ huynh không kịp thời mua BHYT, cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Việc mua BHYT ở môi trường giáo dục cần phải xem lại, nên bỏ quy định nhà trường thu tiền BHYT. Nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách và tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh. Cần rà soát những tồn tại về quy định, có cách đóng phù hợp, như để học sinh tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng học sinh, vì đây là đối tượng phụ thuộc, người mua là cha mẹ học sinh; trong khi nhiều gia đình còn khó khăn, đông con sẽ khó khăn trong việc mua BHYT cho con.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao, đoàn ĐBQH Kiên Giang.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao, đoàn ĐBQH Kiên Giang: Cần đầu tư thuốc, trang thiết bị cho y tế học đường
Hiện trong dự thảo Luật đã “mở” khi đối tượng học sinh được đóng theo hộ gia đình hoặc nhà trường. Đại biểu cho rằng, mức đóng của học sinh, sinh viên hiện bằng 4,6% mức lương cơ sở; đông đảo cử tri cho rằng, mức đóng đó vẫn cao so với thu nhập của người dân.
Ban soạn thảo cần cân nhắc giữ được theo quy định hiện hành; đồng thời kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước tối thiểu là 50% cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Cùng với đó, cần bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được ngân sách hỗ trợ.
Là người công tác trong ngành giáo dục, đại biểu hiểu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế trường học là tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe của trẻ. Các em học sinh đang trong quá trình thay đổi về thể chất, tâm lý; trong khi đó, phần lớn thời gian trong ngày là các em sinh hoạt tại nhà trường. Vì vậy, cần tổ chức y tế học đường đầy đủ về thuốc men, vật tư y tế; phục vụ sơ cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu, quản lý tốt sức khỏe cho các em.
Đồng thời cần có nguồn chi cho truyền thông giáo dục sức khỏe để các em hiểu được lối sống lành mạnh, bảo đảm sức khỏe.
Đặc biệt, cần đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường để các em có môi trường học tập an toàn, lành mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, đoàn ĐBQH Thái Bình. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, đoàn ĐBQH Thái Bình: Tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên
Về đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên, đại biểu đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng.
Như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia bảo hiểm y tế.
Đại biểu mong muốn Quốc hội thông qua dự án Luật BHYT (sửa đổi) tại Kỳ họp này để Luật sớm có hiệu lực thi hành, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, qua đó sớm tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức