Đại biểu sốt ruột với 'rừng thủ tục' đang cản trở môi trường kinh doanh

Đại biểu sốt ruột với 'rừng thủ tục' đang cản trở môi trường kinh doanh
9 giờ trướcBài gốc
Sáng 23-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Tháo gỡ khó khăn phải được coi là ‘trọng tâm của trọng tâm’
Chia sẻ khi phát biểu tại tổ, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho hay ông khá sốt ruột với việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua.
Đại biểu Quảng Trị đánh giá tình trạng các doanh nghiệp phản ánh vướng mắc bất cập trong môi trường kinh doanh vẫn rất nhiều và thậm chí ngày càng đi vào những vấn đề khó, dù đã có các Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, Nghị quyết 66 về hệ thống pháp luật và đặc biệt là Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân.
“Nếu chúng ta không chấp nhận một cuộc cách mạng trong môi trường kinh doanh thì tôi e là những cải thiện nho nhỏ sẽ không mang lại kết quả đáng kể”- ông Đồng cho rằng nếu không có đột phá về môi trường kinh doanh thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng dài hạn hai con số trong hai thập kỷ tiếp theo không thể đạt được.
Thậm chí, theo ông, nếu chúng ta cứ giữ mục tiêu tăng trưởng cao trong các năm 2026, 2027 mà sử dụng các biện pháp về tài khóa, tiền tệ thì rủi ro vĩ mô rất lớn.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG
Ông Hà Sỹ Đồng dẫn các báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) gần đây cho thấy việc đầu tư các dự án có sử dụng đất của Việt Nam hiện nay như trong một khu rừng thủ tục, núi thủ tục, từ việc xin quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, tiền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, nghiệm thu công trình…
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy vấn đề tiếp cận đất đai hay xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Nếu như năm 2021 có 55% doanh nghiệp gặp thuận lợi khi tiếp cận mặt bằng kinh doanh thì năm 2024 chỉ còn 33%.
Trong đó, vướng mắc lớn nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục, đặc biệt là thủ tục xác định giá đất. Hầu hết các thủ tục khi thực hiện đều bị kéo dài hơn quy định hoặc phải làm đi làm lại nhiều lần.
“Với tình trạng rừng thủ tục, núi thủ tục như vậy, chúng ta không thể huy động được đủ đầu tư tư nhân để phục vụ tăng trưởng”- theo ông Hà Sỹ Đồng.
Trong khi đó, theo tính toán, tỷ lệ đầu tư phải trên 40% thì chúng ta mới có thể duy trì tăng trưởng cao. “Làm sao có thể đầu tư nhiều như vậy nếu thủ tục đầu tư bị chậm trễ, kéo dài”- ông nói thêm.
Đại biểu cũng cho rằng trong lĩnh vực bất động sản, thủ tục bị kéo quá dài còn khiến các dự án bất động sản bị đình lại, làm chậm nguồn cung nhà ở và kéo giá nhà ở tăng mạnh thời gian qua.
“Tôi cho rằng tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư phải được coi là trọng tâm của trọng tâm khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm”- ông Đồng nói và đề nghị Chính phủ phải rất quyết liệt trong việc này.
“Cần lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật để đề xuất tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư dự án, tập trung vào việc cắt giảm, hợp nhất hoặc liên thông thủ tục hành chính”- ông Đồng nói thêm.
Giá vàng tăng sẽ dẫn đến áp lực lạm phát lớn
Ngoài ra, ĐB Hà Sỹ Đồng cũng lưu ý cần đặc biệt quan tâm là thị trường vàng: Ông dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy giá vàng từ đầu năm 2025 tới nay đã tăng gần 30% và lập đỉnh 28 lần, chạm mốc 3.500USD/ounce ngày 23-4 vừa qua.
Ngân hàng JPMorgan dự báo đà tăng giá vàng vẫn tiếp tục và có thể đạt mốc 4.000USD/ounce vượt xa các dự báo trước đó.
Từng được coi là “nơi trú ẩn an toàn” nhưng ông Hà Sỹ Đồng cho rằng đến nay, vàng cũng là một tài sản bấp bênh.
“Báo chí từng thông tin có người lỗ hàng trăm triệu chỉ trong vài ngày do biến động khó lường của loại tài sản này. Việc giá vàng tăng mạnh sẽ tạo ra những tác động sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân”- ông Đồng nói.
Theo ông, khi giá vàng gia tăng, những người nắm giữ vàng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng giá này. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực cũng không thể bỏ qua.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, giá vàng tăng gần 14%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2%. Điều này cho thấy sự liên kết giữa giá vàng và giá trị hàng hóa tiêu dùng.
“Sự gia tăng giá vàng sẽ dẫn đến áp lực lạm phát lớn”- ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh hàng hóa tiêu dùng sẽ trở nên đắt đỏ hơn do giá trị vàng cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và phân phối.
Điều này, theo ông, sẽ gây suy giảm sức mua của người dân, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho đại bộ phận người dân.
“Ngân hàng Nhà nước cảnh báo nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh, chúng ta có thể phải đối mặt với một đợt lạm phát phi mã, khiến giá hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng đẩy giá lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế”- đại biểu tỉnh Quảng Trị nói và nhấn mạnh không thể chỉ nhìn nhận vàng như một tài sản đầu tư truyền thống; vàng còn là thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia.
“Điều quan trọng là Việt Nam cần chủ động xây dựng một chiến lược dài hạn để ổn định nền kinh tế, tránh bị cuốn vào những cơn sóng đầu cơ vàng và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước”- ông Đồng nói và kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải có những cơ chế điều hành vàng rõ ràng, giảm thiểu biến động và đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất thay vì vào các tài sản dễ biến động.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/dai-bieu-sot-ruot-voi-rung-thu-tuc-dang-can-tro-moi-truong-kinh-doanh-post851292.html