Đại biểu Thạch Phước Bình: Cần chuyển từ 'trợ đều' sang 'trợ đúng' trong chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

Đại biểu Thạch Phước Bình: Cần chuyển từ 'trợ đều' sang 'trợ đúng' trong chính sách giảm thuế giá trị gia tăng
5 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh chủ trì thảo luận Tổ 8 chiều ngày 21/5. Ảnh: PHẠM THẮNG ANH
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, từ năm 2021 đến nay, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ mức 10% xuống 8% đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, biện pháp này cũng có tác dụng kích thích tiêu dùng trong nước, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021, và tiếp tục tăng 9,6% trong năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng được kiểm soát ổn định qua các năm: 3,15% (2022), 3,25% (2023) và 3,63% (2024).
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chính sách này hiện đang bộc lộ nhiều bất cập cả về đối tượng thụ hưởng lẫn hiệu quả chính sách. Cụ thể, một số ngành quan trọng như viễn thông, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán... vẫn không thuộc diện được giảm thuế, gây ra sự thiếu công bằng trong hỗ trợ giữa các lĩnh vực.
Đáng chú ý, theo đại biểu, việc chính sách chỉ được áp dụng từng năm và liên tục gia hạn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn, giảm tính ổn định của môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu ứng tích cực của chính sách đang dần suy giảm. Một khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2024 cho thấy, chỉ còn 26% doanh nghiệp cho rằng chính sách giảm thuế GTGT tiếp tục có tác động tích cực – so với con số 43% vào năm 2022.
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8 chiều ngày 21/5. Ảnh: PHẠM THẮNG ANH
Mặt khác, đại biểu nhấn mạnh, việc kéo dài chính sách giảm thuế gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước. Năm 2023, mức hụt thu từ chính sách này ước đạt khoảng 45.800 tỷ đồng; năm 2024 là hơn 40.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục đến hết năm 2026, tổng hụt thu ngân sách có thể vượt 200.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu chi cho các lĩnh vực thiết yếu như an sinh xã hội, hạ tầng, chuyển đổi số ngày càng tăng cao.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng lưu ý rằng, chính sách “trợ đều” hiện tại chưa thực sự hướng đến các nhóm doanh nghiệp yếu thế. Nhiều doanh nghiệp lớn, có lãi cao - như các tập đoàn bán lẻ hay nền tảng thương mại điện tử - vẫn được hưởng ưu đãi tương đương với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hoặc doanh nghiệp phụ trợ đang gặp khó khăn. “Nếu không sàng lọc đúng đối tượng, nguồn lực sẽ bị dàn trải, thiếu hiệu quả và gây lãng phí ngân sách”- đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc duy trì chính sách giảm thuế GTGT trong thời gian dài cũng đang làm chậm tiến trình cải cách thuế, đặc biệt là cải cách theo hướng phân tầng thuế suất, mở rộng diện chịu thuế và áp dụng khấu trừ điện tử- những yếu tố then chốt để hiện đại hóa hệ thống thuế Việt Nam.
Từ những phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Chính phủ cần chuyển từ chính sách “trợ đều” sang “trợ đúng”“trợ trúng”. Cụ thể, cần xem xét giảm sâu hơn (4 - 5%) nhưng có điều kiện, áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ, ngành dịch vụ- phụ trợ- chế biến nông sản đang thực sự gặp khó khăn.
Cùng với đó, đại biểu đề xuất cần thiết lập thời hạn cố định cho từng kỳ giảm thuế (6 -12 tháng), đồng thời công bố kết quả đánh giá hiệu quả sau mỗi kỳ để điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt, minh bạch. Về lâu dài, cần khẩn trương chuẩn bị cho quá trình sửa đổi toàn diện Luật Thuế GTGT, hướng đến một hệ thống thuế đa tầng, công bằng và gắn với chuỗi giá trị.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế GTGT sang một số ngành thiết yếu chưa được hưởng ưu đãi như: công nghệ thông tin- trụ cột chuyển đổi số; giáo dục và đào tạo kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm, ngoại ngữ; và y tế tư nhân- lĩnh vực có vai trò ngày càng quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
“Chính sách giảm thuế GTGT đã hoàn thành sứ mệnh hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, cần hướng đến chính sách có mục tiêu, có điều kiện và có lộ trình cải cách rõ ràng - để vừa hỗ trợ đúng đối tượng, vừa đảm bảo tính bền vững của ngân sách và hiệu quả quản trị tài chính quốc gia”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.
Báo Trà Vinh Online
Nguồn Trà Vinh : https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/dai-bieu-thach-phuoc-binh-can-chuyen-tu-tro-deu-sang-tro-dung-trong-chinh-sach-giam-thue-gia-tri-gia-tang-46232.html