Quang cảnh kỳ họp
Tại phiên họp, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý tại hội trường
Về quản lý sản phẩm, hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: tại các điều 44a, 44b, 44c dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử, cá nhân bán hàng online, ứng dụng công nghệ số và truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa cụ thể và thiếu chế tài đi kèm. Đại biểu kiến nghị cần bổ sung các quy định để ràng buộc trách nhiệm của sàn thương mại điện tử, cụ thể: kiểm tra điều kiện pháp lý liên quan đến chất lượng, công bố tiêu chuẩn hợp quy trước khi cho phép sản phẩm, hàng hóa hiển thị trên các gian hàng, xử lý nghiêm các vi phạm đối với nền tảng cố tình tiếp tay hoặc không gỡ bỏ sản phẩm kém chất lượng sau khi đã có cảnh báo từ cơ quan chức năng, thiết lập cơ chế hậu kiểm định kỳ đối với người bán hàng online, đảm bảo minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật, công bố công khai nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm nếu có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền hoặc người tiêu dùng, áp dụng chế tài xử phạt hành chính nếu sàn thương mại điện tử hoặc người bán không tuân thủ các quy định về chất lượng.
Về tăng cường vai trò của địa phương, Dự thảo chỉ quy định trách nhiệm kiểm tra thuộc “cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh”. Không đề cập đến cấp xã, phường (cập nhật mô hình hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp). Thực tế, hàng giả thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo trôi nổi tại chợ đầu mối nông thôn phổ biến, nhưng lực lượng kiểm tra cấp tỉnh không thể kiểm soát kịp thời, xã/phường phát hiện nhưng không có thẩm quyền xử lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cho phép UBND cấp xã, phường chủ động tổ chức kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Nghiên cứu cho phép địa phương (UBND xã, phường) thực hiện một số chức năng cơ bản, như: lập biên bản, cảnh báo hàng hóa nghi vi phạm chất lượng...
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa lực lượng QLTT và chính quyền địa phương trong giám sát chợ, trung tâm thương mại, làng nghề.
Về chế tài xử phạt hành vi vi phạm chất lượng, Dự thảo đề cập “bổ sung chế tài đủ mạnh” tuy nhiên, chưa cụ thể hóa tăng khung phạt hay mở rộng đối tượng chịu trách nhiệm liên đới. Thực tế cho thấy Nhiều cơ sở kinh doanh dùng kho tạm chứa hàng hóa không rõ nguồn gốc, khi bị phát hiện thì né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho bên khác hoặc vụ hàng loạt sản phẩm giả nhãn mác (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) bị phát hiện nhưng chỉ xử phạt vài chục triệu đồng, sau 1 tháng lại tái phạm. Đại biểu đề nghị nâng khung xử phạt với hành vi sản xuất, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng mọi hệ thống. Bổ sung quy định về “tái phạm hành chính nhiều lần” để tăng mức phạt, đình chỉ hoạt động.Mở rộng trách nhiệm liên đới đến đơn vị vận chuyển, kho chứa, đặc biệt khi đã biết có dấu hiệu tiếp tay cho hàng vi phạm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc, giải trình thấu đáo đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
NGUYỆT THU