Đại biểu Võ Mạnh Sơn: Sửa Luật Hóa chất tạo công cụ mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Đại biểu Võ Mạnh Sơn: Sửa Luật Hóa chất tạo công cụ mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
9 giờ trướcBài gốc
Tại phiên thảo luận sáng 8/5 về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng việc sửa đổi luật là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh ngành hóa chất đang phát triển mạnh mẽ, khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng và yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, an toàn lao động.
Ông nhấn mạnh ngành công nghiệp hóa chất không chỉ giữ vai trò trụ cột trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, dược phẩm mà còn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Do đó, luật sửa đổi cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, hướng tới phát triển an toàn, bền vững.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VPQH
Theo đại biểu, dự thảo luật trình tại kỳ họp lần này đã thể hiện sự công phu, tiếp thu nhiều ý kiến, chỉnh lý nhiều vòng, và cơ bản đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi, ông kiến nghị một số nội dung cụ thể.
Bổ sung trách nhiệm và kiểm soát trong toàn bộ chuỗi hóa chất
Trước hết, đại biểu đề nghị mở rộng nội hàm khái niệm hóa chất nguy hiểm tại khoản 4 Điều 2. Theo đó, hóa chất nguy hiểm cần được hiểu là các chất có thể gây hại không chỉ cho con người mà còn đối với động vật, thực vật, tài sản, môi trường và cơ sở vật chất. Việc làm rõ nội dung này sẽ là cơ sở để phân loại, cảnh báo, kiểm soát hiệu quả trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề xuất dự thảo cần bổ sung rõ vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc phát hiện, phối hợp xử lý vi phạm về an toàn hóa chất. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành khi xử lý sự cố nguy cấp liên quan đến hóa chất. Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng nhấn mạnh yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất phải trang bị đầy đủ hệ thống xử lý chất thải để bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sự cố.
Liên quan đến nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án hóa chất, ông đề xuất bổ sung quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và các khâu vận chuyển, lưu trữ, sử dụng hóa chất. Tại khoản 2 Điều 7, cần phân loại cụ thể nhóm hóa chất độc hại, quy định tiêu chí phòng ngừa sự cố, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đi kèm để tăng hiệu lực hậu kiểm.
Về vấn đề bảo vệ quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, ông đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 11 nhằm quy định rõ hơn các loại hóa chất có nguy cơ ảnh hưởng đến các lĩnh vực này. Hóa chất dù chỉ ở dạng khí độc hoặc số lượng cực nhỏ vẫn có thể gây hại lớn nếu bị lạm dụng, sai liều lượng hoặc sử dụng sai mục đích. Do vậy, ông cho rằng cần đưa vào diện kiểm soát đặc biệt các loại hóa chất là tiền chất công nghiệp, hóa chất phát tán nhanh, có độc tính cao và tác động xã hội lớn.
Siết chặt điều kiện xây dựng dự án và tăng quyền xử lý tại cơ sở
Liên quan đến nội dung lựa chọn địa điểm xây dựng dự án hóa chất, ông cho rằng hiện pháp luật xây dựng đã có quy định khảo sát địa chất, địa hình nhưng mang tính chung. Trong bối cảnh đặc thù ngành hóa chất, cần quy định riêng tại khoản 2 Điều 12 trong luật chuyên ngành nhằm yêu cầu chủ đầu tư dự án hóa chất phải khảo sát kỹ điều kiện địa chất để phòng tránh những sự cố nguy hiểm từ nền đất yếu hoặc thiếu ổn định.
Về đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất, ông cùng nhiều đại biểu khác cùng quan điểm cho rằng, cần bổ sung thêm nội dung về quyền hạn thực tế của người chịu trách nhiệm an toàn. Thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất, người được giao phụ trách an toàn tuy có chuyên môn nhưng không được trao quyền xử lý các tình huống khẩn cấp, không có quyền tạm dừng sản xuất, dẫn đến việc xử lý bị động, kém hiệu quả. Do đó, ông đề nghị khoản 2 Điều 35 cần sửa đổi theo hướng tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất và có cả quyền hạn và trình độ phù hợp để kịp thời xử lý các sự cố hóa chất ngay tại cơ sở, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn khẳng định việc sửa đổi Luật Hóa chất là cơ hội quan trọng để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và rủi ro cao này. Ông Sơn bày tỏ tin tưởng rằng nếu tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp và hoàn thiện thêm một số điểm còn vướng mắc, Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ thực sự là công cụ pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt là căn cứ để xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng, lựa chọn phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng thuộc nội dung của quy hoạch vùng; Xây dựng phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn, lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội và phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thuộc nội dung của quy hoạch tỉnh.
Hoàng Nhưỡng
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/dai-bieu-vo-manh-son-sua-luat-hoa-chat-tao-cong-cu-manh-me-ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-386631.html