BHG - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, chiều 17.5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về 3 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Trưởng đoàn Lý Thị Lan chủ trì phiên thảo luận tại tổ 6. Ảnh: CTV
Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì buổi thảo luận của tổ thảo luận số 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Định.
Thảo luận về Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH Hà Giang đã có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, tập trung vào các nội dung then chốt nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện ngân sách các cấp.
Về giải thích từ ngữ tại Điều 4, đại biểu đề nghị bổ sung rõ định nghĩa “cơ quan tài chính” để phù hợp với thực tiễn triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhất là trong bối cảnh một số địa phương cấp xã không còn Sở Tài chính mà chuyển giao chức năng tài chính về Phòng Kinh tế - Hạ tầng.
Đại biểu Vương Thị Hương tham gia thảo luận. Ảnh: CTV
Góp ý về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi (Điều 9), đại biểu nhấn mạnh cần quy định rõ: Nếu chính sách mới do Trung ương ban hành mà phát sinh chi phí cho địa phương, thì ngân sách Trung ương phải đảm bảo nguồn thực hiện. Việc này nhằm tránh tạo gánh nặng ngân sách cho các địa phương có nguồn thu hạn chế.
Liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định ngân sách (Điều 19), đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, đảm bảo Quốc hội có đầy đủ thẩm quyền quyết định tổng chi ngân sách trung ương và chi theo lĩnh vực. Điều này vừa phù hợp Hiến pháp, vừa thể hiện nguyên tắc dân chủ, minh bạch trong quản lý tài chính công.
Về nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh (Điều 30), đại biểu đồng tình với việc cho phép ban hành thêm một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục luật định. Đây là cơ chế cần thiết giúp địa phương tăng nguồn thu, đáp ứng yêu cầu chi trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền hai cấp.
Đối với nguồn thu phân chia giữa trung ương và địa phương (Điều 35), đại biểu đề xuất lựa chọn phương án 2, quy định nguyên tắc phân chia trong luật, còn tỷ lệ cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cách làm này giúp chủ động điều chỉnh trong bối cảnh kinh tế biến động. Đồng thời, đại biểu kiến nghị thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất nên để ngân sách địa phương hưởng 100% như hiện nay, nhằm tăng nguồn lực đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.
Về ứng trước và chuyển nguồn ngân sách (Điều 56 và 63), đại biểu đề xuất bổ sung cho phép ứng trước ngân sách năm sau để chi cho chính sách an sinh xã hội trong trường hợp cấp bách, nhất là khi phát sinh tăng đối tượng hưởng do thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần quy định rõ việc kéo dài thời gian thực hiện và chuyển nguồn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia để phù hợp với tính chất triển khai theo giai đoạn dài hạn.
Duy Tuấn (tổng hợp)