'Đại gia' chè xóm núi

'Đại gia' chè xóm núi
5 giờ trướcBài gốc
Xưởng chế biến chè của gia đình anh Nguyễn Duy Đông.
Bước vào xưởng sản xuất, chế biến chè của gia đình anh Đông, chúng tôi bị choáng ngợp bởi 45 máy vò chè, hàng chục tôn sao đời mới, trong đó có hai tôn cỡ lớn đang chạy hết công suất. Gần 10 lao động người nào vào việc đấy rất nhanh nhẹn, chăm chú để không xảy sơ suất khiến mẻ chè kém ngon.
Anh Đông pha ấm trà ngon mời chúng tôi thưởng thức để cảm nhận dư vị của thứ thức uống khiến nhiều người “mê”, luôn có nhu cầu thưởng thức hằng ngày. Đúng là trà ngon không chỉ giúp con người thỏa mãn sở thích “thưởng ẩm” mà còn khiến những người khách đến thăm lần đầu trở nên gần gũi với chủ nhà như quen biết lâu ngày gặp lại.
Anh Đông kể: Ngày mới lấy nhau, hai vợ chồng tôi thuộc diện hộ nghèo, phải đi làm thuê, chật vật mưu sinh. Bao đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi quyết định phải vươn lên trên chính mảnh đất quê hương và bằng chính loại cây mà bố mẹ đã gieo trồng khi di cư từ miền xuôi lên. Thế là tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư máy móc sản xuất. Tôi nghĩ, ai cũng làm chè, bán chè, nhưng mình phải có cách làm khác mới thu hút được khách hàng và yếu tố quyết định vẫn phải là uy tín, chất lượng, sau đó là giá cả hợp lý. Để có kinh nghiệm làm ra chè ngon, tất yếu phải có những lần thất bại. Sau những lần thất bại đó, tôi tự tin hơn!
Bằng cái tâm và tầm nhìn “vượt trội” so với những người cùng làm chè ở xóm núi, khách hàng của gia đình anh Đông ngày càng đông. Các sản phẩm chè của gia đình từ “bình dân” đến đặc sản đã vượt ra khỏi địa phận huyện Đại Từ để đến nhiều tỉnh, thành trong nước.
Chè thành phẩm được đóng gói, hút chân không bảo đảm chất lượng.
Trung bình mỗi ngày, anh Đông thu mua từ 4-5 tấn chè búp tươi. Để đạt được số lượng nguyên liệu lớn như vậy, anh luôn mua cao hơn cơ sở khác từ 1-2 giá, nhưng cũng đòi hỏi chất lượng tương xứng. Với cách làm việc năng động, nhạy bén, quan tâm đến lợi ích của cả đôi bên “cung - cầu” nên anh Đông còn mở rộng địa bàn thu mua chè búp tươi sang tận Định Hóa, Phú Lương…
Hôm chúng tôi đến, gặp chị Đinh Thị Phương, ở xóm Phúc Tiến (Phúc Lương) và anh Bùi Văn Hiếu, xóm Bình Tiến, xã Bình Thành (Định Hóa), mang chè đến bán. Chị Phương cho biết: Gia đình tôi trồng 6 sào chè đặc sản Long Vân. Mỗi lứa thu hái, tôi đều mang chè búp tươi bán cho xưởng của anh Đông, vì anh mua với số lượng lớn và giá hợp lý.
Anh Hiếu cũng đồng tình và cho rằng: Từ Định Hóa sang Minh Tiến xa hơn các xưởng sản xuất chè ở gần nhà, nhưng tôi chỉ thích bán chè cho anh Đông, bởi giá cả cao hơn các xưởng khác, số lượng thu mua lớn sẽ thuận lợi cho 1 lần thu hái và chuyên chở.
Đồi chè xóm Hòa Tiến 1 (xã Minh Tiến, Đại Từ) cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các xưởng chế biến chè.
Với nghề thu mua và chế biến chè thành phẩm, giờ đây, gia đình anh Đông không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ có kinh tế khá giả nhất nhì xóm Hòa Tiến 1. Anh giải quyết việc làm cho 12 lao động với mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/người/tháng.
Khi có “của ăn của để”, anh còn tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo ở địa phương, bởi đã từng sống trong cảnh nghèo nên anh thấu cảm nỗi khổ của người nghèo.
Anh cho biết dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô xưởng sản xuất, chế biến chè để có thể giải quyết thêm được nhiều lao động ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế của xóm núi phát triển - nơi gần 100% số hộ là người ở dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Những con người đã có công khai hoang, bới đất, lật cỏ để tra những hạt chè đầu tiên, góp phần phủ xanh đồi bãi khô cằn, những mảnh nương rậm rì cỏ dại.
Anh Đông là một trong số những người con đã góp phần gây dựng thương hiệu cho chè Minh Tiến, để cây chè không chỉ giúp bà con nơi đây thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Hải Đăng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/dai-gia-che-xom-nui-61929b5/