'Đại gia Gatsby': Tiếng vọng thấu suốt trăm năm

'Đại gia Gatsby': Tiếng vọng thấu suốt trăm năm
4 giờ trướcBài gốc
Riêng tại Việt Nam, tác phẩm đã có ít nhất 4 bản dịch được ra mắt chính thức, gồm của Trịnh Lữ, Hoàng Cương, Thu Trinh, Nguyễn Minh... dưới các tên gọi “Gatsby vĩ đại”, “Đại gia Gatsby”... cũng như xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ bình thường đến các phiên bản giới hạn, đi kèm minh họa được sáng tạo riêng hay các bìa sách có hiệu ứng đặc biệt. Tái bản gần như liên tục, điều đó cho thấy sức ảnh hưởng và sự yêu mến của nhiều thế hệ độc giả với tác phẩm này. Tuy vậy hành trình để có được danh tiếng ấy không hề dễ dàng.
Quay ngược thời gian, vào ngày 10/4/1925, F.S.Fitzgerald đã cho ra mắt tiểu thuyết thứ 3 sau hai tác phẩm “This Side of Paradise” (tựa Việt: “Bên này địa đàng”) và “The Beautiful and Damned” (tạm dịch: “Đẹp và đáng nguyền rủa”). Ngay từ tác phẩm đầu tay, Fitzgerald đã gây chấn động văn đàn, hình thành một phong cách riêng và là tiếng nói đại diện cho thế hệ mình. Cuốn tiểu thuyết ấy gồm văn xuôi, cách viết dòng suy tưởng cũng như kịch nghệ trộn lẫn vào nhau, xoay quanh đời sống học đường của những thanh niên trẻ tuổi, từ đó đặt nền móng cho Thời đại Jazz và Thế hệ lạc lối của những nhân vật ngang tàn, hoang dại. Có thể nói ở giai đoạn đó, Fitzgerald không chỉ xác lập một phong cách riêng mà còn định hình cho một thập kỷ.
Phiên bản điện ảnh năm 2013 của Baz Luhrmann đã tiếp tục “đóng đinh” “Đại gia Gatsby” trong văn hóa đại chúng.
“Thừa thắng xông lên”, tác giả tiếp tục đưa chủ đề này vào cuốn sách mới. Xoay quanh nhân vật Jay Gatsby - người đã vươn lên chạm đến giàu sang từ hai bàn tay trắng - cuốn sách tái hiện một cơn vũ bão trong cõi lòng người cũng như xã hội. Ở mặt cá nhân, đó là “tam giác tình cảm” giữa Tom - Daisy - Gatsby khi Gatsby quay về gặp lại Daisy - người đã có chồng là Tom nhưng bị người đàn ông này phản bội - sau 5 năm xa cách. Những nhân vật trong tác phẩm nói riêng và thời đoạn này nói chung đều đầy tự do trong các phiêu lưu tình ái. Họ không bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn đạo đức mà thay vào đó là thả trôi mình trong cơn cuồng loạn. Nhưng cũng vì yêu không chút lý trí rồi sẽ mang đến nhiều nỗi bất hạnh.
Ở khía cạnh xã hội, những bữa tiệc tối hào nhoáng với các quan khách trong những bộ vest đắt tiền, nhiều chiếc đầm ngời sáng... phần nào cho thấy một thời vàng son ở giai đoạn đó. Khi cuốn sách đi đến hồi kết, F.S.Fitzgerald cũng phần nào châm biếm chính cộng đồng này với bản chất giả trá và đầy vật chất. Tòa lâu đài của Gatsby có thể là nơi mà họ đến đó để được mặc sức vui chơi lúc còn phồn hoa, nhưng khi chủ nhân của nó ngã xuống thì không một ai bận tâm ghé đến, chỉ trừ người cha từ nơi xa xôi là khóc thương cho con trai của mình…
Về mặt đón nhận, ngay khi ra mắt, tác phẩm đã nhận được sự hoài nghi từ giới phê bình lẫn các độc giả. Doanh số bán ra tương đối ảm đạm nếu so với “Bên này địa đàng” trước đó. Điều này không quá khó hiểu khi cốt truyện của “Đại gia Gatsby” không quá phức tạp hay thật mới mẻ. Nó thiếu đi sự thể nghiệm mà cuốn tiểu thuyết đầu tay làm được, trong khi mối quan hệ tay ba dù mỗi nhân vật có một thế giới phức tạp cũng không độc đáo. Điều này dẫn đến danh tiếng của Fitzgerald bị ảnh hưởng lớn, và với “Dịu dàng màn đêm” quá đỗi mới mẻ thì chuỗi “bết bát” càng được nối dài. Ông qua đời khi đang viết “Nhà tài phiệt cuối cùng” - tác phẩm được đánh giá là tham vọng bậc nhất - để rồi mãi mãi dở dang.
Nhiều phiên bản “Đại gia Gatsby” đã được ra mắt.
Nếu lúc ra đời tác phẩm không mấy thành công, thì khi xã hội Mỹ có sự thay đổi với cuộc Đại suy thoái và lệnh cấm rượu đã được bãi bỏ, thì cuốn sách này thêm một lần nữa rơi vào quên lãng, vì những bi kịch cá nhân trong chuyện yêu đương không còn hợp thời. Tuy vậy nhờ các nỗ lực của những người bạn thân (trong đó có Edmund Wilson - nhà phê bình nổi tiếng - người đã tập hợp và giới thiệu “Nhà tài phiệt cuối cùng” hoàn chỉnh nhất có thể), mà Fitzgerald dù danh tiếng suy yếu nhưng vẫn được chú ý ở một mức độ đáng kể.
Đây là khởi nguồn để như định mệnh sắp đặt, khi quân đội Mỹ phân phối hơn 15.000 ấn bản cho quân lính đọc trong Thế chiến thứ hai, thì “Đại gia Gatsby” chính thức... “sống” lại. Đó là con số mơ ước với bất cứ tác giả nào, và thậm chí còn đáng ước mơ hơn nữa khi người đó đã qua đời. Và sức nóng ấy vẫn còn kéo dài sau khi chiến tranh kết thúc, lúc làn sóng hoài niệm trở thành chủ lưu của thập niên 1950, giúp cho cuốn sách tiếp tục lan tỏa.
Từ Wilson, bằng sự hỗ trợ của nhiều nhà nghiên cứu khác mà Fitzgerald được xếp ngang hàng với những Milton, Yeats, Goethes, Dostoyevski... từ đó đời sống học thuật của tác phẩm này bắt đầu bền bỉ. Với một tác phẩm được nhiều thế hệ người học mang ra mổ xẻ thì cũng đồng nghĩa với tính kinh điển đã được xác lập. Và cũng chính bằng con đường này mà mạch đập rộn ràng của “Đại gia Gatsby” đã được lưu truyền từ đó đến nay.
Song song cùng đời sống hàn lâm, trong 3 thập niên tiếp theo, cuốn sách dần được chuyển thể thành các bộ phim điện ảnh, opera, series truyền hình gây tiếng vang lớn và được đón nhận nồng nhiệt. Trong bộ môn nghệ thuật thứ 7, với bối cảnh xa hoa, lộng lẫy của giới nhà giàu và những chuyện tình vừa lãng mạn vừa bi tráng lại vừa khốc liệt, tuy không bám vào câu chuyện của giới nghệ sĩ (như “Nhà tài phiệt cuối cùng” lấy bối cảnh Hollywood), nhưng “Đại gia Gatsby” có thể nói là tác phẩm luôn luôn hấp dẫn khi được chuyển thể. Phiên bản 2013 với Leonardo DiCaprio thủ vai Gatsby cho đến giờ đây đã đi vào ký ức đại chúng của thế kỷ 21, với nụ cười nhăn mặt và ly rượu đỏ chếnh choáng trên tay trong phim của Baz Luhrmann.
Cũng như “James Bond” “áp đặt ảnh hưởng” lên các bản nhạc phim để mỗi lần nghe nhạc nền của series “007” người ta lại tưởng tượng ra những bản phối bán cổ điển với dàn dây kịch tích; thì “Đại gia Gatsby” cũng đã trở thành “đại diện” cho những cảnh quay xa hoa, giàu có, của những khung cảnh ăn chơi trác táng với sự lộng lẫy, đầy ắp vật chất hiện lên trên màn ảnh lớn... Điều này cho thấy tác phẩm đã vượt ra khỏi biên giới văn chương, từ đó đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền văn hóa đại chúng, trở thành tham chiếu “nhìn là nhớ ngay”. Nó cũng đại diện cho phong cách của Baz Luhrmann để nhắc đến ông thì điều đầu tiên xuất hiện trong não trạng nhiều người chính là cảnh quay của bộ phim này...
Thế nhưng thành công của nó không chỉ nhờ thời thế hoặc các tác phẩm phái sinh, mà phải nói chính Fitzgerald cũng có tài năng vô cùng đặc biệt. Theo đó trong bản thảo “Nhà tài phiệt cuối cùng” còn đang dang dở, ta thấy xuất hiện những ghi chú bên lề rằng phải làm sao để độc giả thật sự bất ngờ, rằng phải làm sao để các nhân vật xuất hiện khó đoán hơn nữa hay phải làm sao để cốt truyện này có được độ phủ mà vẫn logic…, qua đó cho thấy Fitzgerald là một nhà văn có tầm nhìn xa, hợp với thị hiếu và rất quan tâm đến cách độc giả đón nhận tác phẩm.
Ông muốn nó thật thu hút những ai thưởng thức, và rõ ràng khi đọc lần đầu, ta sẽ không khỏi bất ngờ trước những tính toán của ông. Chẳng hạn có thể đoán trước cái kết của Gatsby, nhưng không phải ai cũng tưởng tượng được đâu là thủ phạm và càng bất ngờ hơn khi nó đến từ motif “mượn tay giết người”. Phản ứng của Daisy càng về sau cuối cũng thật khó tin, rằng người phút trước quá đỗi cuồng nhiệt trong câu chuyện tình thì ngay sau đó không hề ái ngại bỏ mặc người thương. Bước ngoặt của cuốn sách là vụ đụng xe cũng không được vén màn nhanh chóng, mà sau rất nhiều dẫn dắt, ta mới biết được ai đứng đằng sau...
Sau 100 năm ra đời, hình ảnh ánh sáng màu xanh xuất hiện ở đầu cũng như cuối sách cứ thế le lói cho đến ngày nay. Nó đại diện cho những mơ ước tình yêu và cuộc sống vốn được xây dựng trên một nền móng quá đỗi mong manh, từ đó để lại một nỗi buồn thương trong lòng người đọc. “Đại gia Gatsby” có thể nói cũng là tia sáng đó, sau bao biến động thời thế thì tuy yếu ớt nhưng cứ thổn thức mãi hoài không thôi.
Đoàn Tuấn Anh
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dai-gia-gatsby-tieng-vong-thau-suot-tram-nam-i765539/