'Đại gia' Hàn Quốc SK Group không còn là cổ đông lớn của Masan Group

'Đại gia' Hàn Quốc SK Group không còn là cổ đông lớn của Masan Group
5 giờ trướcBài gốc
Trước đó, trong phiên 31/10, cổ phiếu MSN ghi nhận hàng loạt giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng 76,4 triệu đơn vị, tương đương quy mô 5.600 tỷ đồng. Ước tính, mỗi cổ phiếu MSN được các nhà đầu tư trao tay với giá bình quân 73.500 đồng/đơn vị, thấp hơn thị giá hiện tại 4%.
Các giao dịch thỏa thuận chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhóm này bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng giá trị cổ phiếu MSN.
Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh thị giá MSN quay đầu điều chỉnh hơn 6% kể từ thời điểm vượt mốc 82.000 đồng/đơn vị vào giữa tháng 10.
SK Group hoàn tất chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu MSN.
Trở lại hiện tại, theo Masan, giao dịch của "đại gia" Hàn Quốc được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn với tầm nhìn đầu tư dài hạn có trụ sở tại châu Á, châu Âu và Mỹ. Số cổ phiếu còn lại của SK Group tại Masan sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thông lệ. Điều này giúp tạo sự ổn định cho cơ cấu cổ đông của Masan Group trong khi công ty tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng và thực thi các phát kiến chiến lược.
Jefferies Singapore Ltd đóng vai trò là cố vấn tài chính và bên bảo lãnh cho SK Group cho việc chào bán cổ phần trên thị trường quốc tế. VietCap là đại lý môi giới cho SK Group.
Hồi tháng 9, SK Group đã có thỏa thuận gia hạn thời gian thực hiện quyền chọn bán của SK Group với Masan Group thêm tối đa 5 năm.
SK Group đã trở thành cổ đông lớn của Masan từ năm 2018 và nắm giữ quyền chọn bán cổ phần cho MSN vào năm 2024. Khi đó, "ông lớn" Hàn Quốc đã chi ra 530 tỷ Won (khoảng gần 11.000 tỷ đồng) để mua 9,5% vốn của Masan Group.
Chiều ngược lại, trước đó, bà Nguyễn Yến Linh - con gái tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT Masan) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu MSN (tương đương 0,66% vốn điều lệ) trong khoảng thời gian từ 29/10-18/11 thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Dự kiến bà Linh có thể phải chi khoảng 785 tỷ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu MSN. Nếu giao dịch thành công, bà Linh sẽ lần đầu tiên sở hữu cổ phần MSN, trở thành cổ đông Tập đoàn Masan.
Hiện, ông Nguyễn Đăng Quang nắm giữ 18 cổ phiếu MSN. Vợ ông Quang - bà Nguyễn Hoàng Yến (mẹ bà Nguyễn Yến Linh), nắm giữ gần 50,9 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 3,36%.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2024, Masan đạt doanh thu thuần 21.487 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ, nhờ sự tăng trưởng từ các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ giúp bù đắp lại hoạt động tái cấu trúc mảng gà trang trại của Masan MEATLife (MML) và hoạt động kinh doanh bị gián đoạn tạm thời của Masan High-Tech Materials (MHT).
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 855 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý III năm ngoái. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 15%, về mức 2.032 tỷ đồng; trong đó chi phí lãi vay chiếm 1.707 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng nhẹ so với cùng kỳ, ở mức hơn 4.800 tỷ đồng. Lãi từ các công ty liên kết đạt 1.158 tỷ đồng, tăng 10%.
Kết quả, Masan lãi sau thuế quý III/2024 đạt 1.301 tỷ đồng, gấp 2,7 lần kết quả thực hiện trong quý II/2023 và cao nhất kể từ quý II/2022; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) đạt 701 tỷ đồng, gấp gần 15 lần.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Masan đạt 60.476 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 2.726 tỷ đồng, tăng 101%; lãi ròng đạt 1.308 tỷ đồng, gấp 3,5 lần.
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7 - 15% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận tại Masan dự kiến tăng gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
Như vậy, so với kịch bản thấp nhất, Masan đã vượt mục tiêu lợi nhuận, còn so với kịch bản cao nhất thì hoàn thành 68%.
Tính đến 30/9, tổng tài sản Masan đạt 154.291 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của công ty ở mức hơn 113.000 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính và phát hành trái phiếu chiếm hơn 65.700 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng sau 9 tháng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, công ty phải trả 4.878 tỷ đồng tiền lãi, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong quý III, hầu hết công ty con của Tập đoàn Masan đều ghi nhận lãi tăng trưởng, riêng Công ty Masan High-Tech Materials (MHT, mã: MSR) vẫn tiếp tục ghi nhận "lỗ chồng lỗ".
Cụ thể, MHT báo lỗ sau thuế trong quý III hơn 334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 chỉ lỗ 213 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, công ty thành viên “họ” Masan này thu về 10.468 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ sau thuế lên tới hơn 1.380 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ 2023 lỗ 700 tỷ đồng).
Trước đó, giai đoạn 2014-2018, lợi nhuận tại MHT tăng trưởng khá ấn tượng, từ 35,6 tỷ đồng (năm 2014) lên 810 tỷ đồng (năm 2018). Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2022 bắt đầu sụt giảm, từ 351 tỷ đồng xuống còn 105 tỷ đồng và đến năm 2023 bất ngờ lỗ sau thuế 1.529 tỷ đồng, tình trạng "lỗ chồng lỗ" kéo dài đến 9 tháng đầu năm 2024.
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của MHT đạt gần 39.395 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Nợ phải trả gần 26.990 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính và phát hành trái phiếu chiếm hơn 16.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, MHT phải trả hơn 1.050 tỷ đồng tiền lãi vay.
Châu Anh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//24h/dai-gia-han-quoc-sk-group-khong-con-la-co-dong-lon-cua-masan-group-1103388.html