Đại học Bách khoa Hà Nội giám sát toàn bộ khâu liên quan đến bữa ăn

Đại học Bách khoa Hà Nội giám sát toàn bộ khâu liên quan đến bữa ăn
3 giờ trướcBài gốc
Nhà trường nhận trách nhiệm
Sự việc sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội học giáo dục quốc phòng và an ninh phải ăn cơm, canh thừa, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận và phụ huynh học sinh.
Chia sẻ với báo chí ngày 8/10, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ông rất bất ngờ khi xem clip phản ánh về bữa ăn của sinh viên trường mình. Việc này là không thể chấp nhận được. Ban lãnh đạo nhà trường sẽ nhận trách nhiệm trực tiếp và xử lý đến cùng, công khai sự việc.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội
Ngay tối 7/10, lãnh đạo nhà trường đã gặp mặt tất cả sinh viên đang học giáo dục quốc phòng và an ninh để lắng nghe, đồng thời tập hợp tất cả đơn vị liên quan để rà soát lại quy trình cung cấp suất ăn cho sinh viên.
Trước đó, phản ánh với cơ quan báo chí về sự việc, sinh viên Đại học Bách khoa thông tin: trong thời gian học giáo dục quốc phòng và an ninh, phần lớn các suất cơm được chuẩn bị sẵn trên bàn là cơm thừa từ các bữa ăn của một trung đội đã ăn trước đó khoảng 1 giờ. Cơm thừa đó nhân viên của nhà ăn đổ vào thùng đựng cơm chung và chia cho các đơn vị đến ăn sau.
Không chỉ cơm thừa được tái sử dụng, những bát canh ăn dở của mỗi bàn cũng được một nhân viên của bếp ăn thu gom lại, đổ vào nồi rồi chia cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên còn phát hiện nhiều loại dị vật trong bữa ăn hàng ngày như sâu, ruồi, lá cây…
“Nhà trường rất bất ngờ về những phản ánh liên quan đến suất cơm không đảm bảo khi học môn giáo dục quốc phòng và an ninh của sinh viên năm nhất. Nhà trường chưa từng nhận được phản ánh trực tiếp nào từ các em” - đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
Nói rõ về sự việc, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: một số thông tin do sinh viên phản ánh là đúng sự thật nhưng cũng có thông tin được hiểu chưa chính xác.
Cụ thể, về chuyện ăn cơm thừa, suất ăn của sinh viên được bố trí như dành cho bộ đội, không để lẫn thức ăn và cơm. Cơm được để vào một bát to, đặt ở mỗi bàn, sinh viên ăn bao nhiêu xới bấy nhiêu. Như vậy, “cơm thừa" ở đây thực chất là cơm còn dư chứ không phải cơm ăn dở.
Còn hình ảnh những suất ăn có dị vật, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định chưa rõ về bối cảnh. Năm học trước, trường ghi nhận phản ánh của hai sinh viên về suất ăn có chân gián. Nhà bếp khi đó cho biết nguyên nhân là gián chui vào máy thái thịt, trường đã xử lý.
Về quy trình kiểm tra, giám sát suất ăn của sinh viên, định kỳ trung tâm y tế trên địa bàn đều đến kiểm tra và chưa ghi nhận điều gì bất thường. Thứ 5 hàng tuần, Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh tổ chức họp dân chủ nhưng cũng không nhận được phản ánh từ sinh viên nên nhà trường chưa kịp thời nắm bắt được sự việc kể trên.
Đồng bộ nhiều phương án
Ngay khi xác định sự việc, Đại học Bách khoa Hà Nội lập tức dừng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn hiện tại cho tân sinh viên đang học giáo dục quốc phòng - an ninh.
Đại diện Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 8/10.
Nhà ăn A15, nơi bị phản ánh đã đóng cửa trong sáng nay. Khoảng 500 sinh viên đang học hoạt động này tạm thời chuyển sang nhà ăn dành cho cán bộ, giảng viên của trường.
Đại học Bách khoa Hà Nội giao Ban Công tác sinh viên giám sát toàn bộ khâu liên quan đến bữa ăn, từ thực phẩm đưa vào đến khẩu phần ăn, đồng thời khảo sát ý kiến sinh viên, đặt mã QR code ghi nhận phản ánh của các em. Thông qua cách này, nhà trường sẽ chủ động nắm bắt sự việc bất thường (nếu có) để kịp thời xử lý.
Nhằm khắc phục tình trạng cơm nguội, thừa cơm, nhà trường chỉ đạo không chia cơm vào bát để ở từng bàn nữa mà để ở một khu vực cố định, sinh viên tự tới đó để lấy.
Hiện sinh viên đại học cần tham gia 4 học phần với 165 tiết Giáo dục quốc phòng và an ninh. Trong khi đa số trường ở Hà Nội phải đưa sinh viên lên Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh ở Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) hoặc Hòa Lạc thì từ năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức môn này tại khuôn viên trường.
Mỗi năm, khoảng 7.000 - 8.000 tân sinh viên được chia thành nhiều nhóm, lần lượt học trong năm thứ nhất. Trường có hai nhà ăn, gồm nhà ăn A15 phục vụ sinh viên và nhà ăn dành cho cán bộ, giảng viên. Cả hai do các đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài trường đấu thầu.
“Sự cố của Đại học Bách khoa Hà Nội là lời cảnh báo cho các cơ sở giáo dục khác làm tốt hơn những việc có thể kiểm soát từ sớm. Qua sự việc, nhà trường cũng nhìn nhận lại và có trách nhiệm hơn với mọi công việc liên quan đến nhân sự, con người bên cạnh công tác chuyên môn” - PGS.TS Huỳnh Đăng Chính bày tỏ.
Sẽ chấn chỉnh việc tổ chức bữa ăn cho sinh viên học quốc phòng - an ninh
Ngày 8/10, Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng đã đến kiểm tra, làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh - Vụ trưởng Giáo dục quốc phòng - an ninh, Bộ GD&ĐT trao đổi: sau sự việc xảy ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị sẽ tham mưu Bộ GD&ĐT có văn bản chấn chỉnh các đại học, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh về việc tổ chức bữa ăn cho học sinh, sinh viên.
Tại hướng dẫn về thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh gửi tất cả cơ sở giáo dục và Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh trên cả nước ngày 30/9, Bộ yêu cầu các trường tổ chức ăn tập trung cho sinh viên theo học môn này, chia theo suất, đảm bảo định lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện cả nước có 46 Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh cùng 53 cơ sở giáo dục được tự chủ giảng dạy môn này.
Nam Du
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-giam-sat-toan-bo-khau-lien-quan-den-bua-an.html