Đại học Bách khoa TPHCM công bố cách tính quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025

Đại học Bách khoa TPHCM công bố cách tính quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025
18 giờ trướcBài gốc
Trường Bách khoa quy đổi như thế nào
Chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Bách khoa TPHCM) cho hay, trường chủ yếu xét tuyển tổng hợp từ nhiều nguồn đánh giá khác nhau, việc quy đổi điểm để ghi nhận toàn bộ quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Mặt khác, việc này cũng để cân bằng giữa nguồn đánh giá này. Qua nhiều năm theo dõi kết quả học tập của sinh viên, hiện tại trường "tạm tin" vào phương án xét tuyển của mình và sẽ liên tục theo dõi thêm để có điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Thắng, năm 2025, Đại học Bách khoa TPHCM sử dụng phương thức tổng hợp xét 95-99% tổng chỉ tiêu.
Điểm sàn nhận hồ sơ là 50 (thang 100). Công thức quy đổi như sau:
Điểm xét tuyển = Điểm học lực + Điểm ưu tiên (thang điểm 100)
Điểm học lực tính theo thang điểm 100, làm tròn 0,01 từng thành tố và làm tròn 0,01 ở điểm tổng.
Điểm học lực = Điểm năng lực × 70% + Điểm tốt nghiệp THPT quy đổi × 20% + Điểm học THPT quy đổi × 10%
Đối tượng 1: Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025.
Điểm năng lực = Điểm đánh giá năng lực có hệ số Toán × 2 /15 (thang điểm 1.500 quy đổi sang thang điểm 100).
Điểm tốt nghiệp THPT quy đổi = Tổng điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT trong tổ hợp /3 × 10.
Điểm học THPT quy đổi = Trung bình cộng điểm trung bình lớp 10, 11, 12 các môn trong tổ hợp × 10.
Trường hợp thí sinh ở năm lớp 10 học thiếu 1 môn trong tổ hợp xét tuyển, và thay đổi môn học từ năm lớp 11, thí sinh chỉ có 8 cột điểm so với thí sinh bình thường (có 9 cột điểm).
PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TPHCM (bên trái) Ảnh: BK
Đối tượng 2: Thí sinh không có kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025.
Điểm năng lực = Điểm tốt nghiệp THPT quy đổi × 0.75.
Điểm tốt nghiệp THPT quy đổi = Tổng điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT trong tổ hợp / 3 × 10.
Điểm học THPT quy đổi = Trung bình cộng điểm trung bình lớp 10, 11, 12 các môn trong tổ hợp × 10.
Trường hợp thí sinh ở năm lớp 10 học thiếu 1 môn trong tổ hợp xét tuyển, và thay đổi môn học từ năm lớp 11, thí sinh chỉ có 8 cột điểm so với thí sinh bình thường (có 9 cột điểm).
Đối tượng 3: Thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài
Điểm năng lực = Điểm học THPT quy đổi.
Điểm tốt nghiệp THPT quy đổi đối với thí sinh các nước có thi tốt nghiệp, quy đổi điểm thi của thí sinh về thang điểm 100.
Thí sinh các nước không có thi tốt nghiệp THPT: Điểm tốt nghiệp THPT quy đổi = Điểm học THPT quy đổi.
Điểm học THPT quy đổi = Trung bình cộng điểm trung bình lớp 10, 11, 12 các môn trong tổ hợp, quy đổi về thang điểm 100.
Năm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh không quá 2 năm so với năm dự tuyển. Trường hợp thí sinh thiếu môn trong tổ hợp xét tuyển, thí sinh có số cột điểm ít hơn so với thí sinh bình thường (có 9 cột điểm).
Đối tượng 4: Thí sinh dùng chứng chỉ tuyển sinh quốc tế
Điểm năng lực = Điểm chứng chỉ tuyển sinh quốc tế.
Điểm tốt nghiệp THPT quy đổi = Tổng điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT trong tổ hợp / 3 × 10.
Điểm học THPT quy đổi = Trung bình cộng điểm trung bình lớp 10, 11, 12 các môn trong tổ hợp × 10. Điểm chứng chỉ tuyển sinh quốc tế được trường công bố trên website.
Đối tượng 5: Thí sinh vào chương trình chuyển tiếp Quốc tế Úc/ Mỹ/ New Zealand.
Điểm năng lực = Điểm phỏng vấn × 0.5 + Điểm bài luận × 0.3 + Điểm chứng chỉ tiếng anh quy đổi × 0.2.
Điểm tốt nghiệp THPT quy đổi = Tổng điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT trong tổ hợp / 3 × 10.
Điểm học THPT quy đổi = trung bình cộng điểm trung bình lớp 10, 11, 12 các môn trong tổ hợp × 10.
Bản chất của tuyển sinh là chọn đúng người học phù hợp
Về việc quy đổi điểm của Bộ GD-ĐT, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho rằng, cần xác định nội hàm cốt lõi đầu vào khi đào tạo một ngành. Ví dụ, các ngành kỹ thuật đòi hỏi người học sẵn sàng về toán và khoa học tự nhiên (ngành cụ thể có thể yêu cầu cụ thể hơn).
Khi sử dụng một phương thức tuyển sinh nào đó thì cần xác định được tương quan đến nội hàm cốt lõi nói trên. Khi có nhiều hơn một phương thức, cần làm rõ được việc chọn hay không chọn một thí sinh trúng tuyển là dựa trên căn cứ nào.
Ví dụ có 2 thí sinh, thí sinh A có điểm số vượt trội ở phương thức X và thí sinh B có điểm số vượt trội ở phương thức Y. Giả sử chỉ được chọn một thí sinh để trúng tuyển, thì thí sinh nào sẽ được chọn và tại sao.
"Bản chất của tuyển sinh là ở chỗ này, để giúp trường tuyển chọn đúng người học phù hợp và bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, hiện nay tất cả các trường điều tuyển sinh bằng điểm số (có thể có sơ tuyển và điều kiện phụ) nên việc quy đổi điểm chuẩn trúng tuyển là cần thiết. Tuy vậy, đây lại là bài toán không đơn giản và có thể vẫn còn thêm các phương thức như chấm bằng hội đồng bình xét, chấm phỏng vấn... nhưng khó có thể triển khai mức độ đại trà và vẫn cần được giám sát chặt chẽ.
Lê Huyền
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dai-hoc-bach-khoa-tphcm-cong-bo-cach-tinh-quy-doi-diem-xet-tuyen-dai-hoc-2025-2387797.html