1. Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc): Đạt tối đa 100 điểm, 2025 là năm thứ 3 liên tiếp Đại học Bắc Kinh xếp thứ nhất trên bảng xếp hạng đại học châu Á. Đây là cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất ở Trung Quốc, được thành lập vào năm 1898. Hiện trường có 30 khoa và 12 bộ môn, với 93 chuyên ngành bậc đại học, 2 chuyên ngành bằng kép, 199 chuyên ngành bậc thạc sĩ và 173 chuyên ngành bậc tiến sĩ. Ảnh: PKU.
2. Đại học Hong Kong (Hong Kong, Trung Quốc): Chỉ thua Đại học Bắc Kinh 0,3 điểm đánh giá, Đại học Hong Kong xếp thứ 2 trong xếp hạng này với tổng điểm 99,7. Trước đó, trường được xếp hạng 17 trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS năm 2025. Đây là ngôi trường có cộng đồng đa dạng với hơn 9.000 sinh viên quốc tế đến từ 96 quốc gia. Trường giảng dạy bằng tiếng Anh và giáo dục có trọng tâm quốc tế với mục đích chuẩn bị cho sinh viên trở thành công dân toàn cầu, có thể thành công ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ảnh: University of Hong Kong.
3. Đại học Quốc gia Singapore (NUS - Singapore): Với 98,9 điểm, NUS duy trì vị trí thứ 3 ở bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2025. NUS có 17 khoa và trường trực thuộc, đặt tại 3 khuôn viên Kent Ridge, Bukit Timah và Outram. Là trường đại học tổng hợp, NUS cung cấp các chương trình đào tạo đa ngành ở khắp các lĩnh vực, mục tiêu giải quyết các vấn đề quan trọng và phức tạp liên quan đến châu Á và thế giới như năng lượng, môi trường và bền vững đô thị; điều trị và phòng ngừa các bệnh phổ biến ở người châu Á; vật liệu tiên tiến... Ảnh: NUS.
4. Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore): Tương tự NUS, năm 2025, Đại học Công nghệ Nanyang tiếp tục giữ vị trí thứ 4 với 98,3 điểm trên bảng xếp hạng đại học châu Á. Khuôn viên chính của trường cũng thường xuyên được xếp hạng trong số những trường đại học đẹp nhất thế giới. Hiện tại, trường có khoảng 35.000 sinh viên đại học và sau đại học thuộc các ngành Kỹ thuật, Kinh doanh, Khoa học, Y khoa, Nhân văn, Nghệ thuật & Khoa học Xã hội. Ảnh: NTU.
5. Đại học Phúc Đán (Trung Quốc): Đại học Phúc Đán tăng 2 bậc so với năm ngoái, xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng với 97,2 điểm. Trường được thành lập vào năm 1905, hiện tại cung cấp 11 lĩnh vực học thuật, có 5 phòng thí nghiệm cấp nhà nước, 29 phòng thí nghiệm cấp tỉnh và bộ, 17 bệnh viện liên kết. Cùng với Thanh Hoa, Bắc Đại, Phúc Đán là thành viên của Liên minh C9 tại Trung Quốc - liên minh các trường đại học hàng đầu ở nước này, cũng giống như Ivy League ở Mỹ. Ảnh: Fudan University.
6. Đại học Trung văn Hong Kong (Hong Kong, Trung Quốc): Xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng là Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK), tăng 4 bậc so với năm trước. Năm 2025, trường đạt 96,7 tổng điểm đánh giá. CUHK đào tạo nhiều chuyên ngành, trong đó trọng tâm nghiên cứu 4 lĩnh vực gồm Trung Quốc (truyền thống và hiện đại), y sinh học, công nghệ thông tin và tự động hóa, môi trường và bền vững. Ảnh: CUHK.
7. Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc): Với 96,3 điểm, Đại học Thanh Hoa giảm 3 bậc so với năm trước, xếp vị trí thứ 7. Tuy nhiên, tiêu chí danh tiếng học thuật và danh tiếng với nhà tuyển dụng của trường đạt tối đa 100 điểm, tỷ lệ giảng viên/sinh viên đạt 99 điểm. Trường được thành lập vào năm 1911. Hầu hết bảng xếp hạng đại học trên thế giới đều xếp hạng Thanh Hoa thuộc tốp các trường đại học tốt nhất ở Trung Quốc. Ảnh: Tsinghua University.
8. Đại học Chiết Giang (Trung Quốc): Xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2025 là Đại học Chiết Giang với 96 điểm. Tuy nhiên, trường tụt 2 hạng so với năm trước. Đây là một trong những trường mang tính nghiên cứu và tổng hợp quy mô lớn nhất và đầy đủ các môn học nhất Trung Quốc hiện nay. Hiện tại, Chiết Đại có hơn 3.600 giảng viên toàn thời gian, đào tạo hơn 53.600 sinh viên, trong đó hơn 53% là sinh viên sau đại học. Ảnh: Zhejiang University.
9. Đại học Yonsei (Hàn Quốc): Đây là một trường đại học tư thục ở thủ đô Seoul, được thành lập vào năm 1885. So với năm 2024, trường tụt một bậc trên bảng xếp hạng, giữ vị trí thứ 9 với 95,4 điểm. Trường đào tạo các lĩnh vực chính gồm y học, hóa sinh, sức khỏe con người, kỹ thuật, khoa học vật liệu, hóa học và thần kinh khoa học, cũng như các lĩnh vực nhân văn và khoa học xã hội. Các chương trình đại học và sau đại học toàn diện cùng với các cơ sở nghiên cứu và y tế rộng lớn đã thu hút hơn 38.000 sinh viên. Ảnh: Yonsei University.
10. Đại học Thành phố Hong Kong (CityU - Hong Kong, Trung Quốc): Tăng 7 bậc so với năm 2024, CityU lọt vào top 10 của bảng xếp hạng với 95,3 điểm. Kể từ khi thành lập vào năm 1994, CityU đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành một trong những đại học trẻ năng động hàng đầu thế giới. Trường tập trung vào 2 yếu tố cốt lõi là đào tạo ra những sinh viên ưu tú và tiến hành các nghiên cứu đem lại lợi ích trực tiếp cho xã hội. Ảnh: City UHK.
Ngọc Bích