Trong năm học vừa qua, trường Đại học Sydney ghi nhận tổng cộng 3.498 vi phạm liên quan đến gian lận học tập. Ảnh: SMH
Đại học Sydney, một trong những trường đại học danh tiếng nhất Australia, mới đây đã công bố một loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến hành vi gian lận học tập trong cộng đồng sinh viên, khiến 13 cá nhân bị tước bằng tốt nghiệp và hơn 1.000 sinh viên bị đánh trượt toàn bộ học phần.
Khi công nghệ bị lạm dụng
Theo số liệu do trường công bố, trong năm học vừa qua, trường ghi nhận tổng cộng 3.498 vi phạm liên quan đến gian lận học tập, từ sao chép tài liệu, học thuê cho đến việc sử dụng giấy khám bệnh giả để xin gia hạn nộp bài. Đặc biệt, có tới 463 vụ vi phạm được xác định là hành vi gian lận nghiêm trọng, trong đó nhiều sinh viên sử dụng dịch vụ viết thuê và trí tuệ nhân tạo (AI) để hoàn thành bài tập.
“Chúng tôi đang chứng kiến làn sóng gian lận học tập ngày một gia tăng, với mức độ tinh vi và có tổ chức. Việc sử dụng AI không còn chỉ là công cụ học tập, mà ngày càng trở thành một phần trong chiến thuật gian lận”, người phát ngôn của trường cho biết.
Đáng lo ngại, báo cáo cho thấy 91% các trường hợp vi phạm nghiêm trọng liên quan đến sinh viên quốc tế. Điều này đặt ra câu hỏi về mức độ sẵn sàng của hệ thống giáo dục đối với nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất – những sinh viên xa nhà, thiếu hỗ trợ ngôn ngữ và kỹ năng, đồng thời dễ trở thành đối tượng của các tổ chức gian lận có tổ chức.
Chuyên gia Herman Chan, người hỗ trợ sinh viên trong các khiếu nại về gian lận trong học tập nhận định rằng, vấn đề nằm ở sự thiếu kết nối giữa tiêu chuẩn đầu vào của trường, năng lực học tập thực tế của sinh viên và sự hỗ trợ trong quá trình các em theo học: “Nếu trường không có can thiệp sớm, sinh viên sẽ dần lệ thuộc vào việc gian lận như một giải pháp sống còn”.
Thúc đẩy các giải pháp kết hợp
Thực tế, Đại học Sydney cho biết đã đầu tư vào một hệ thống phát hiện gian lận toàn diện, bao gồm đội ngũ chuyên trách và phần mềm phân tích tự động nhằm phát hiện các bài làm có dấu hiệu bất thường. Trong năm học tới, trường cũng sẽ áp dụng mô hình đánh giá mới với hai tuyến rõ rệt: bài kiểm tra trực tiếp không được sử dụng công cụ hỗ trợ, và bài tập tại nhà cho phép sử dụng các công cụ phù hợp, bao gồm cả AI.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng giải pháp công nghệ chỉ là phần ngọn. Giáo sư Phillip Dawson từ Đại học Deakin nhận định: “Các công ty viết thuê đang tích hợp AI vào dịch vụ của mình. Điều này vừa giúp họ giảm chi phí thuê người làm bài, vừa khó bị phát hiện hơn. Vấn đề không chỉ là thiết bị hay phần mềm, mà còn nằm ở hệ sinh thái giáo dục”.
Đại học Sydney cho biết đã đầu tư vào một hệ thống phát hiện gian lận toàn diện. Ảnh: SMH
Từ năm 2020, việc cung cấp hoặc quảng cáo dịch vụ gian lận trong học tập đã bị coi là phạm pháp tại Australia. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn với mức độ tinh vi và nguy hiểm hơn. Cơ quan Quản lý Chất lượng và Tiêu chuẩn Giáo dục Đại học Australia (TEQSA) cho biết đã chặn thêm 60 trang web cung cấp dịch vụ viết thuê trong tháng 3 vừa qua, nâng tổng số trang web bị cấm lên 475.
TEQSA cảnh báo các tổ chức này không chỉ vi phạm quy định giáo dục mà còn có dấu hiệu tống tiền hoặc đánh cắp danh tính người dùng. Nhiều tổ chức gian lận được cho là có liên hệ với các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
Hồi chuông cảnh báo
Sự việc tại Đại học Sydney không chỉ là hồi chuông cảnh báo đối với hệ thống giáo dục Australia mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các quốc gia khác, đặc biệt những nước đang thu hút đông đảo sinh viên quốc tế. Nó phản ánh những thách thức toàn cầu về đạo đức học đường, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục đại học đang được quốc tế hóa mạnh mẽ và công nghệ phát triển vượt tầm kiểm soát.
Trước thực tế này, theo các chuyên gia, các trường đại học không thể chỉ dựa vào hình thức xử phạt hay công nghệ giám sát, mà cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống hỗ trợ học tập, tư vấn đạo đức học đường, và đặc biệt là giáo dục sinh viên – ngay từ ngày đầu nhập học.
Hồng Nhung