Chương trình giáo sư thỉnh giảng cũng là hành động cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU.
Thông tin trên thuộc thí điểm chương trình Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, ban hành ngày 3/7.
Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình Giáo sư thỉnh giảng hướng tới việc mời và công nhận khoảng 100 nhà khoa học xuất sắc, chuyên gia, học giả uy tín trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao tri thức tại đại học trong giai đoạn 2026-2031.
"Đây không chỉ là nỗ lực đột phá về thu hút nhân tài mà còn là cách Đại học Quốc gia Hà Nội tạo ra mạng lưới học thuật chất lượng cao, thúc đẩy văn hóa học thuật quốc tế, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ", Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận.
Thông qua chương trình, các giáo sư thỉnh giảng sẽ tham gia giảng dạy chuyên sâu, tổ chức seminar, hội thảo, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên tài năng.
Đồng thời, họ cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và thúc đẩy công bố quốc tế.
Các cá nhân được bổ nhiệm, công nhận là giáo sư thỉnh giảng cần có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc là chuyên gia đầu ngành, có thành tích nổi bật trong nghiên cứu, giảng dạy và chuyển giao tri thức.
Ứng viên phải cam kết tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, đồng hành lâu dài cùng chiến lược phát triển của nhà trường.
Các lĩnh vực được ưu tiên gồm Công nghệ Chip bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, Công nghệ Robot và tự động hóa, Công nghệ Y - Sinh tiên tiến, Công nghệ Lượng tử, Công nghệ Năng lượng và Vật liệu tiên tiến, Nông nghiệp thông minh và Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững.
Các giáo sư thỉnh giảng được hưởng nhiều quyền lợi như thù lao theo khối lượng công việc, hỗ trợ chi phí lưu trú, sử dụng cơ sở vật chất nghiên cứu và vinh danh từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Họ cũng được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu thông qua cơ chế tham gia đồng chủ nhiệm hoặc thành viên các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ.
Đồng thời, họ có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Nhà nước và nhà trường, chủ động triển khai kế hoạch công việc và có đóng góp cụ thể cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu tại các đơn vị tiếp nhận.
Ứng viên có thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình. Hội đồng tuyển chọn sẽ đánh giá dựa trên năng lực, kinh nghiệm và tiềm năng đóng góp cho Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thời hạn bổ nhiệm kéo dài từ 1 đến 5 năm và có thể được gia hạn nếu đạt yêu cầu.
Trong một số trường hợp đặc biệt, ứng viên có thành tích xuất sắc và được giới thiệu bởi nhà khoa học uy tín có thể được xét bổ nhiệm đặc cách.
Ngọc Bích