Đại học Quốc gia TPHCM tuyển giáo sư thỉnh giảng với thù lao cạnh tranh

Đại học Quốc gia TPHCM tuyển giáo sư thỉnh giảng với thù lao cạnh tranh
3 giờ trướcBài gốc
TS Lê Thị Anh Trâm, Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ (Đại học Quốc gia TPHCM) trình bày dự thảo chương trình Giáo sư thỉnh giảng. Ảnh: Khánh Lâm
Ngày 7/2, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm góp ý cho Chương trình Giáo sư thỉnh giảng. Chương trình nhằm thu hút, đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại đại học này.
Giáo sư thỉnh giảng là chức danh do Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM ra quyết định bổ nhiệm, làm việc theo cơ chế bán thời gian, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Trình bày dự thảo chương trình trên tại tọa đàm, TS Lê Thị Anh Trâm - Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, chương trình đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030, riêng các năm 2025, 2026 mời và bổ nhiệm được 50 giáo sư thỉnh giảng.
Những cá nhân được mời tham gia chương trình là các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có thành tích nổi bật, đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ trên thế giới; có hoài bão, khát vọng và mong muốn đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho Đại học Quốc gia TPHCM nói riêng và cho Việt Nam nói chung.
Theo tiêu chí bổ nhiệm, các ứng viên phải có thành tích nổi trội trong giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, với sự đóng góp được thể hiện qua các công bố quốc tế, bằng sáng chế và sản phẩm công nghệ.
Đặc biệt, chương trình ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh học, chip - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu, năng lượng mới, logistic mới, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, lịch sử, văn hóa Việt Nam…
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Lâm
Các giáo sư thỉnh giảng sẽ được bổ nhiệm trong thời hạn tối đa 5 năm, tối thiểu là 1 năm và có thể được gia hạn. Họ sẽ được hưởng mức thù lao cạnh tranh cùng các hỗ trợ về đi lại, lưu trú khi làm việc tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Ngoài ra, họ còn được tiếp cận hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phòng thí nghiệm và nguồn tài nguyên nghiên cứu tại các trường thành viên.
Mỗi giáo sư thỉnh giảng phải dành tối thiểu 10 ngày làm việc trực tiếp tại Đại học Quốc gia TPHCM mỗi năm; chủ động lên kế hoạch và tham gia giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến; sẵn sàng tổ chức hội thảo khoa học, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh và hỗ trợ xây dựng các đề xuất hợp tác quốc tế cũng như hỗ trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.
Chương trình Giáo sư thỉnh giảng không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Các giáo sư thỉnh giảng được kỳ vọng sẽ đóng góp, xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo tài năng; truyền đạt kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và các xu hướng công nghệ mới nhất cho sinh viên, học viên sau đại học; đề xuất, xây dựng và làm đồng chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu, các đề án nghiên cứu liên ngành, giải quyết các thách thức cấp bách của Việt Nam và khu vực.
Ngoài ra, họ còn tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ sinh viên và giảng viên phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp mang tính thực tiễn cao.
Chương trình Giáo sư thỉnh giảng được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa Đại học Quốc gia TPHCM với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên thế giới, mở rộng cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên.
GS.TS Mai Thanh Phong phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Lâm
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu đánh giá chương trình Giáo sư thỉnh giảng là một sáng kiến có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu hướng thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Ông đề xuất nên bổ sung cơ chế xét duyệt đặc biệt cho những nhà khoa học trẻ có thành tích xuất sắc, đồng thời tận dụng công nghệ để thu hút giáo sư từ xa, giảm yêu cầu về thời gian có mặt tại Việt Nam.
Trong khi đó, GS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết nhà trường đã thực hiện chương trình tương tự từ nhiều năm nay và mời được hơn 10 giáo sư thỉnh giảng mỗi năm.
Ông cho rằng cần có các văn bản chi tiết, chặt chẽ hơn về chương trình này để chương trình được triển khai thuận lợi và dễ dàng.
Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển từ tháng 3/2025 và tổ chức Hội đồng xét duyệt kỹ lưỡng dựa trên tiêu chí năng lực và thành tích khoa học. Những ứng viên đạt yêu cầu sẽ trải qua vòng phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến trước khi được chính thức bổ nhiệm. Dự kiến, các quyết định bổ nhiệm sẽ được công bố vào tháng 5/2025.
Với các giáo sư có thành tích đặc biệt, có mong muốn đóng góp, xây dựng, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cho Đại học Quốc gia TPHCM và được một nhà khoa học uy tín trong và ngoài đại học này giới thiệu, Hội đồng xét duyệt sẽ đề xuất Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM xem xét, quyết định mời và bổ nhiệm mà không cần thực hiện quy trình bổ nhiệm.
Ứng viên gửi hồ sơ trực tiếp tại trang web: vnu350.vnuhcm.edu.vn hoặc qua email: vnu350@vnuhcm.edu.vn.
Mạnh Tùng
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-quoc-gia-tphcm-tuyen-giao-su-thinh-giang-voi-thu-lao-canh-tranh-post718641.html