Mặc dù còn nhiều tranh luận về các phương pháp đánh giá và tiêu chí sử dụng, song hiện các bảng đại học xếp hạng quốc tế như ARWU, QS, hay THE, đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái giáo dục toàn cầu.
Bảng xếp hạng đại học ARWU của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU) ra đời năm 2003, được biết đến là bảng xếp hạng đại học quốc tế đầu tiên trên thế giới. Sau ARWU, lần lượt nhiều bảng xếp hạng đại học quốc tế khác cũng ra đời như QS (Quacquarelli Symonds) và THE (Times Higher Education),...
Cùng với sự phát triển của nhu cầu xã hội, các bảng xếp hạng đại học cũng ngày càng đa dạng với các bộ tiêu chuẩn/tiêu chí, phương pháp đánh giá khác nhau. Theo đó, các bảng xếp hạng mở rộng từ xếp hạng toàn cầu đến các bảng xếp hạng theo khu vực (QS Asia Rankings/THE Asia University Rankings), theo các tiêu chí như tuổi đời của các trường (THE Young University Rankings), quy mô trường (U-Multirank), đến từng ngành học cụ thể (QS World University Rankings by Subject/THE Subject Rankings), hay các tiêu chí mới mẻ như mức độ thân thiện với môi trường (UI GreenMetric), đo lường sự đóng góp của các trường đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc (THE Impact Rankings),...
Trong xu hướng toàn cầu hóa, giáo dục đại học Việt Nam cũng đang từng bước hội nhập sâu rộng với hệ thống giáo dục quốc tế và ghi danh ở nhiều bảng xếp hạng đại học quốc tế có uy tín.
Trong bài viết này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam giới thiệu đến độc giả 3 bảng xếp hạng đại học thế giới phổ biến nhất hiện nay, đó là ARWU, QS và THE.
Lưu ý, các bảng xếp hạng có bộ tiêu chuẩn/tiêu chí, phương pháp đánh giá khác nhau nên kết quả sẽ không giống nhau.
Shanghai Academic Ranking of World Universities
Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU) là bảng xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới, được Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) công bố lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2003.
Năm 2024, ARWU đã xếp hạng hơn 2.500 trường đại học và công bố 1.000 trường đại học hàng đầu trên thế giới.
AWRU được xem là một bảng xếp hạng đại học khó nhất, khách quan nhất thế giới. Theo đó, AWRU tự xây dựng dữ liệu đánh giá các đại học trên toàn thế giới căn cứ vào các chỉ số học thuật khách quan và dữ liệu từ bên thứ ba để đo lường hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, chứ không phụ thuộc và cũng không yêu cầu các trường phải cung cấp dữ liệu.
Cụ thể, ARWU đánh giá các trường đại học dựa trên 6 tiêu chí khách quan, bao gồm: số lượng cựu sinh viên và giảng viên đoạt giải Nobel và Huy chương Fields; số lượng nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất; số lượng bài báo được công bố trên các tạp chí Nature và Science; số lượng bài báo được chỉ mục trong Science Citation Index-Expanded và Social Science Citation Index; và hiệu suất học thuật trên đầu người của một tổ chức.
Năm 2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng ARWU, ở nhóm 901-1.000. Năm 2020, trường này tăng lên nhóm 701-800.
Năm 2021, Đại học Duy Tân gia nhập bảng xếp hạng, cùng với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cả hai đều thuộc nhóm 601-700.
Năm 2022, Trường Đại học Tôn Đức Thắng giữ nguyên thứ hạng (nhóm 601-700), trong khi Đại học Duy Tân tụt xuống nhóm 901-1.000.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây (2023, 2024), Việt Nam không có trường nào được ARWU xếp hạng.
QS World University Ranking
Bảng xếp hạng QS World University Rankings được phát triển và quản lý bởi tổ chức của Anh Quốc, Quacquarelli Symonds (QS). Từ năm 2004 đến năm 2009, QS hợp tác với tạp chí Times Higher Education (THE) để phát hành bảng xếp hạng dưới tên gọi THE-QS World University Rankings. Sau khi mối quan hệ hợp tác này chấm dứt vào năm 2010, QS tiếp tục phát triển bảng xếp hạng của riêng mình, đổi tên thành QS World University Rankings, trong khi THE hợp tác với Thomson Reuters để ra mắt bảng xếp hạng THE World University Rankings.
Trong khu vực Đông Nam Á, có 84 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng tại Bảng xếp hạng QS WUR 2025, trong đó, Malaysia là quốc gia Đông Nam Á có nhiều cơ sở giáo dục được xếp hạng nhất (28), tiếp theo là Indonesia (26), Thái Lan (13), Việt Nam (6), Philippines (5), Singapore (4) và Brunei (2). Tuy chỉ có 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhưng Singapore vẫn cho thấy vị thế hàng đầu khi có 2 cơ sở giáo dục đại học trong nhóm 20 thế giới (Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 8 và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng thứ 15.
QS WUR 2025 là năm thứ 21 tổ chức Quacquarelli Symonds công bố bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu. Đây cũng là năm thứ hai bảng xếp hạng áp dụng bộ tiêu chí mới, gồm 9 tiêu chí, thay vì 6 tiêu chí như trước đây.
Các tiêu chí mới này được thiết kế để đánh giá toàn diện hơn về chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường đại học, bao gồm các yếu tố truyền thống như uy tín học thuật, uy tín với nhà tuyển dụng, số lượng trích dẫn nghiên cứu, bên cạnh các tiêu chí mới như tính bền vững, tỷ lệ có việc làm của người học tốt nghiệp và xu hướng kết nối quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
Trong kỳ xếp hạng QS WUR 2025, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học được ghi danh trong tổng số hơn 1500 cơ sở giáo dục đại học đến từ 104 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học nhìn chung đều có thứ hạng cải thiện so với năm trước, đặc biệt đây là lần đầu tiên Đại học Huế được vinh danh trong bảng xếp hạng này.
Cụ thể, Đại học Duy Tân đạt vị trí 495, tăng so với hạng 514 năm ngoái. Trường Đại học Tôn Đức Thắng nằm trong nhóm 711-720, tăng so với nhóm 721-730. Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-HN) tăng từ nhóm 951-1000 lên nhóm 851-900. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh (VNU-HCM) tăng từ nhóm 951-1000 lên nhóm 901-950. Đại học Huế lần đầu tiên có tên trong danh sách, ở vị trí đồng hạng 1201-1400 cùng với Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cụ thể như sau:
THE World University Rankings
THE World University Rankings là bảng xếp hạng đại học toàn cầu của Times Higher Education, được công bố lần đầu vào năm 2004. Đây là một trong ba bảng xếp hạng đại học danh tiếng nhất thế giới, cùng với QS World University Rankings và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU).
THE đánh giá các trường đại học trên toàn cầu dựa trên nghiên cứu những nhiệm vụ cốt lõi của một trường đại học: giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức, và triển vọng quốc tế
Bảng xếp hạng của THE năm nay lấy dữ liệu từ hơn 2.000 cơ sở giáo dục từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, dựa trên 18 tiêu chí chia thành 5 nhóm chính: Giảng dạy (Teaching), Môi trường nghiên cứu (Research Environment), Chất lượng nghiên cứu (Research Quality), Chuyển giao công nghệ (Industry), Mức độ quốc tế hóa (International Outlook). Mỗi nhóm tiêu chí chiếm 4-30% trọng số. Trong đó, trọng số cao nhất thuộc về chất lượng nghiên cứu (30%), phản ánh sức mạnh và tầm ảnh hưởng học thuật của các trường.
Năm 2025, Việt Nam đạt thành tích nổi bật nhất từ trước đến nay với 9 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng. Trong đó, dù lần đầu tiên góp mặt nhưng Đại học Kinh tếthành phố Hồ Chí Minh đã có thứ hạng cao nhất, thuộc nhóm 501-600.
Xếp sau đó là Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cùng xếp hạng trong nhóm 601-800.
Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên, Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minhđược xếp hạng, lần lượt nằm trong nhóm 801-1000 và 1201-1500.
Trong số 9 trường, 6 trường giữ nguyên thứ hạng so với năm trước, trong khi 3 trường còn lại là "gương mặt mới".
Vừa qua, trong buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở ba vấn đề lớn cho ngành Giáo dục, trong đó có đề cập đến vấn đề tăng hạng giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: “Cần phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế, cụ thể đến năm 2030, Việt Nam nằm trong 3 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học lọt Top 100 trường hàng đầu trên thế giới”.
Doãn Nhàn