Phường Lang Biang - Đà Lạt được xem là “thủ phủ” hoa hồng của tỉnh Lâm Đồng
“Cộng hưởng” lợi thế để phát triển
Phường Lang Biang - Đà Lạt được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường 7, TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương, xã Lát, huyện Lạc Dương. Phường có diện tích tự nhiên 322,66 km², dân số 40.041 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 24,49%.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Lang Biang - Đà Lạt Trần Thị Chúc Quỳnh, việc sáp nhập thành đơn vị hành chính mới không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn mở thêm cơ hội để phường tận dụng lợi thế của các địa phương sáp nhập, quy hoạch phát triển hiện đại hơn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, gắn với nâng cao chất lượng sống của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn phường đã hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa, dâu tây với phương pháp sản xuất hiện đại trên thủy canh, khí canh, giá thể… Cùng với đó là cà phê arabica hình thành nên những tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững. Đến nay, đã có 41 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Phường tập trung phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Đặc biệt, phường Lang Biang - Đà Lạt được xem là “thủ phủ” hoa hồng của tỉnh Lâm Đồng với trên 720 ha, sản lượng ước khoảng 1.200 triệu cành/ha/năm, tổng doanh thu của 1 ha đạt 1,8 - 2 tỷ đồng/năm. Đây cũng là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn. Trong đó, nhiều hộ đồng bào DTTS đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư trồng những vườn hoa hồng cho thu nhập tốt.
Bên cạnh phát triển nông nghiệp, phường Lang Biang - Đà Lạt có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, có nét văn hóa giàu bản sắc mang đặc trưng riêng, trở thành sản phẩm du lịch mới, thu hút lượng khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Công tác quản lý đất đai, khai thác, chế biến khoáng sản được quan tâm. Quy hoạch, quản lý, bảo vệ rừng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Phát triển rừng đi đôi với giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, phong trào trồng cây xanh tiếp tục được các địa phương phát động, thực hiện, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,58%.
“Sau 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ của các xã, phường, thị trấn sáp nhập thành phường Lang Biang - Đà Lạt đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra. Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, toàn quân và Nhân dân các địa phương đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, kinh tế tiếp tục tăng trưởng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng được phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng lên; sức mạnh đại đoàn kết được tiếp tục giữ vững”, Bí thư Đảng ủy phường Lang Biang - Đà Lạt Trần Thị Chúc Quỳnh cho biết.
Văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa trở thành sản phẩm du lịch mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho phường Lang Biang - Đà Lạt
Đổi mới mạnh mẽ, đột phá để phát triển
Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Lang Biang - Đà Lạt lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của hệ thống chính trị phường sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Trong đó, phường xác định 5 đột phá tạo tiền đề cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới. Trước hết là đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp phường; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phường phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác xã kiểu mới gắn với đặc trưng kinh tế nông nghiệp và dịch vụ - du lịch.
Tiếp đến là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối. Việc đầu tư phát triển đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại - du lịch, công nghệ thông tin, hạ tầng số và hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao. Phường tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị, hướng tới đô thị sinh thái, tạo nền tảng để thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tập trung đột phá về phát triển dịch vụ - du lịch chất lượng cao gắn với công nghiệp văn hóa và nông nghiệp: phát triển mạnh các loại hình du lịch đặc thù có lợi thế như du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, du lịch mạo hiểm, thể thao, trải nghiệm. Địa phương gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa, làng nghề truyền thống và khai thác các giá trị cảnh quan, không gian núi Lang Biang; thúc đẩy hình thành hệ sinh thái dịch vụ - du lịch chất lượng cao, có tính kết nối vùng.
Địa phương cũng xác định đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái và tuần hoàn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nông nghiệp.
Phường tập trung xây dựng Lang Biang - Đà Lạt trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất, nhân một số giống cây trồng chất lượng cao của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
Đi đôi với đó, cấp ủy, chính quyền phường đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhất là công tác phát hiện, đào tạo, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; bảo vệ, tôn vinh cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phát triển, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân...
Tuấn Hương