Đồng chí Lê Quang Tùng giữ chức Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 diễn ra chiều nay, 16/7, Đại hội đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở đó, Đại hội đã chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030; thảo luận đóng góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ Quốc hội lần thứ Nhất.
Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao các Quyết định cho Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng và Ban Chấp hành Đảng ủy Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng
Tại Đại hội, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đã công bố các quyết định của Ban Thường vụ Quốc hội chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đảm nhiệm các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy VPQH nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ VPQH nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 21 đồng chí. Ban Thường vụ Đảng ủy VPQH nhiệm kỳ gồm 9 đồng chí. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng giữ chức Bí thư Đảng ủy VPQH. Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thị Thúy Ngần và Bí thư Chi bộ các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Đảng ủy Văn phòng Quốc hội Hoàng Xuân Hòa giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy VPQH.
Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao các Quyết định; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tặng hoa, chúc mừng Ban Chấp hành Đảng ủy Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng
Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Văn phòng Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Ảnh: Hồ Long
Tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao các Quyết định, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tặng hoa, chúc mừng Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng và Ban Chấp hành Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
Góp phần quan trọng vào các kết quả chung của Quốc hội
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chúc mừng các đồng chí đã được cấp có thẩm quyền chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, đảm nhiệm các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy VPQH, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, đây là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực và uy tín, được kỳ vọng sẽ phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo để góp phần đưa Đảng bộ VPQH phát triển vững mạnh, toàn diện trong nhiệm kỳ mới.
Qua các báo cáo, tham luận tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội đánh giá, công tác chuẩn bị Đại hội của Đảng bộ VPQH đã được tiến hành rất kỹ lưỡng, bài bản.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Hồ Long
Báo cáo chính trị đã phản ánh rõ nét bối cảnh tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Văn phòng Quốc hội, Quốc hội và cả nước có nhiều cơ hội đan xen với khó khăn, thách thức, có những thay đổi mang tính căn bản về mô hình tổ chức của các cơ quan trong hệ thống chính trị, về chuyển hệ thống chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. Cả hệ thống chính trị khẩn trương triển khai nhiều chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược để góp phần đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, bối cảnh đó đặt ra trọng trách rất lớn cho VPQH - là cơ quan nòng cốt trong tham mưu, nghiên cứu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Quốc hội - trong điều kiện Đảng bộ VPQH cũng thuộc diện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm từ 31 đảng bộ, chi bộ xuống còn 10 đảng bộ, chi bộ trực thuộc.
Tuy nhiên, Đảng bộ VPQH đã nhanh chóng ổn định tổ chức, kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, nỗ lực, đổi mới sáng tạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả rất tích cực trong nhiệm kỳ vừa qua.
Trong đó, nổi bật là, công tác xây dựng tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được chú trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng được thực hiện nghiêm túc với 31 hội nghị, tuyên truyền, triển khai thực hiện 225 văn bản của tổ chức Đảng cấp trên. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên được quan tâm, đã tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên đề 101 lượt tổ chức đảng, 318 lượt đảng viên.
Đảng bộ VPQH đã lãnh đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào các kết quả chung của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và khóa XV; tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát việc thi hành chính sách pháp luật, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước.
Đã tham mưu, phục vụ: tổ chức 20 kỳ họp Quốc hội, 116 phiên họp và hội nghị quan trọng khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 8 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; tham mưu xem xét, thông qua 107 luật, 261 nghị quyết của Quốc hội, 5 pháp lệnh, gần 80 nghị quyết quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hợp nhất 189 văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phục vụ Quốc hội giám sát tối cao 06 chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 6 chuyên đề; 16 phiên chất vấn).
"Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đều đánh giá cao những tham mưu, cải tiến của VPQH về xây dựng và điều chỉnh chương trình công tác, chương trình Kỳ họp, vừa bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, vừa kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng", Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội nhấn mạnh.
Đặc biệt, Kỳ họp thứ Chín vừa qua được tổ chức sớm hơn thường lệ đã đóng góp thiết thực cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, được 100% ĐBQH có mặt biểu quyết thông qua, được Nhân dân đồng thuận rất cao. Cùng với đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 34 luật, chiếm 52,3% tổng số luật đã được ban hành tại 17 kỳ họp trước đó của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Sự tham mưu hiệu quả của VPQH cũng thể hiện qua những con số cụ thể về hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: đến nay đã tiến hành 18 kỳ họp, thông qua 99 luật, 222 nghị quyết. Trong đó, các Nghị quyết chung Kỳ họp do VPQH chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo thường được Quốc hội thông qua với tỷ lệ rất cao, nhiều lần đạt 100% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, có những nội dung có ý nghĩa lịch sử như: Nghị quyết chung Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV quy định những biện pháp cấp bách, đặc thù, đặc biệt áp dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của Nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Hồ Long
VPQH cũng đã đóng góp quan trọng và là đầu mối trong tham mưu đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của Quốc hội, hỗ trợ tích cực cho công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ hoạt động của Quốc hội.
Tham mưu, phục vụ tổ chức thành công, có hiệu quả một số hoạt động lần đầu tiên được triển khai tại Quốc hội như: Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội sau mỗi kỳ họp; Diễn đàn Người lao động; Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” và một số hoạt động khác.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, Đảng bộ VPQH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện, nhất là việc chỉ đạo xây dựng một số đề án, quy chế, quy định chưa bảo đảm tiến độ, công tác phối hợp còn chưa chặt chẽ, hiệu quả; công tác tham mưu, phục vụ trong một số lĩnh vực chưa được cải tiến nhiều; một số đảng viên tham dự các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng với ý thức chưa cao, có đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật bị xử lý kỷ luật...
Nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tư duy chiến lược
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội nêu rõ, trong bối cảnh Đảng bộ VPQH và VPQH đã được tổ chức lại, chuyển các vụ chuyên môn về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban quản lý trực tiếp nhưng VPQH vẫn được xác định là cơ quan đầu mối tham mưu, tổng hợp, chủ trì tổ chức, phục vụ các hoạt động chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đòi hỏi VPQH phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, với tư duy mới, chuyên sâu hơn, hiệu quả hơn, phối hợp tốt hơn cả trong và ngoài VPQH, tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ, từng đơn vị trong VPQH cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Quang cảnh đại hội. Ảnh: Phạm Thắng
Trên cơ sở những nội dung, phương hướng nhiệm vụ nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 3nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới đã được chuẩn bị rất kỹ, bao quát, toàn diện, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội nhấn mạnh 4 nội dung đề nghị Đại hội quan tâm trong quá trình thảo luận và thông qua Nghị quyết.
Thứ nhất, Đảng bộ Văn phòng Quốc hội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Đảng ủy Quốc hội; tập trung đóng góp trí tuệ vào các dự thảo văn kiện của Đảng ủy cấp trên. Trên cơ sở đó, chủ động nắm vững các nội dung liên quan thuộc lĩnh vực phụ trách trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, văn kiện Đại hội Đảng bộ Quốc hội lần thứ Nhất, để kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả, gắn với từng chức năng, nhiệm vụ cụ thể của VPQH và gắn với yêu cầu đổi mới trong thời gian tới.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tư duy chiến lược; áp dụng mô hình làm việc khoa học trong tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối và xây dựng tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch; đổi mới lề lối làm việc của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy của các đơn vị thuộc VPQH bảo đảm dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm sâu sát, khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong đó, cần lãnh đạo, chỉ đạo Văn phòng Quốc hội phối hợp tốt và có hiệu quả với các cơ quan có liên quan trong và ngoài Quốc hội theo mô hình tổ chức mới để tham mưu và tổ chức thực hiện toàn diện, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Hồ Long
Cần triển khai thực hiện tốt nhất Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193 của Quốc hội về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 1343 của UBTVQH về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030 và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa được thông qua.
Thứ ba, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, trước mắt là phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham mưu cho Đảng ủy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổng kết năm 2025, tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV; tham mưu, phục vụ tổ chức thành công Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chuyên nghiệp công tác tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026); làm tốt công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2026 - 2031..., bảo đảm trang trọng, ý nghĩa, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, gắn với khí thế mới của đất nước.
Trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền, Đảng bộ Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện tổ chức bộ máy đối với các vụ, đơn vị trực thuộc thuộc diện sắp xếp, tinh gọn, để ổn định tổ chức, bảo đảm cán bộ, đảng viên phát huy được năng lực, sở trường, yên tâm công tác, cống hiến. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong tình hình mới, làm căn cứ để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo mô hình tổ chức mới.
Các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Hồ Long
Thứ tư, chú trọng xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức cán bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng.
Thứ năm, quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá công chức, viên chức, người lao động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là những đối tượng chịu tác động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thứ sáu, đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác tuyên giáo, dân vận trong tình hình mới, trọng tâm là tăng cường công tác dân vận kết hợp với thực hành dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan tiếp tục triển khai phong trào thi đua dân vận khéo và phong trào thi đua yêu nước; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết dân tộc nhằm khơi dậy tinh thần thi đua, truyền cảm hứng, tạo động lực để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động VPQH phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với quyết tâm cao và sự đồng lòng của tập thể, cùng phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Đổi mới”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội tin tưởng, Đảng bộ Văn phòng Quốc hội sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đã đạt được trong những năm qua, thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội tin tưởng giao phó, góp phần thiết thực vào những kết quả chung trong mọi hoạt động của Quốc hội.
Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội Khóa XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 với sự tán thành của 100% đại biểu tham dự. Nghị quyết xác định rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới
Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, gồm 21 đồng chí: 1. Đồng chí Lê Quang Tùng
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
2. Đồng chí Phạm Đình Toản
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội.
3. Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Ngần
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
4. Đồng chí Vũ Minh Tuấn
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
5. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
6. Đồng chí Lê Thu Hà
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
7. Đồng chí Nguyễn Văn Hiển
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
8. Đồng chí Hoàng Xuân Hòa
Bí thư Chi bộ các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
9. Đồng chí Trịnh Ngọc Đức
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.
10. Đồng chí Phạm Đức Thảo
Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản trị, Văn phòng Quốc hội.
11. Đồng chí Phạm Thị Thanh Huyền
Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân, Văn phòng Quốc hội.
12. Đồng chí Hoàng Thị Lan Nhung
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội.
13. Đồng chí Đỗ Hoàng Việt
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Quốc hội.
14. Đồng chí Phan Thị Thùy Linh
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội.
15. Đồng chí Vũ Thị Thu Nga
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính, Văn phòng Quốc hội.
16. Đồng chí Bùi Danh Tuyên
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chuyển đổi số, Văn phòng Quốc hội.
17. Đồng chí Trịnh Ngọc Cường
Chánh Văn phòng Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
18. Đồng chí Vũ Đình Đức
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
19. Đồng chí Phạm Thái Yên
Phó Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
20. Đồng chí Bùi Lê Minh
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
21. Đồng chí Nguyễn Phúc Huy
Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban Trị sự, Báo Đại biểu nhân dân, Văn phòng Quốc hội.
Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, gồm 9 đồng chí: 1. Đồng chí Lê Quang Tùng
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
2. Đồng chí Phạm Đình Toản
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội.
3. Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Ngần
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
4. Đồng chí Vũ Minh Tuấn
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
5. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
6. Đồng chí Lê Thu Hà
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
7. Đồng chí Nguyễn Văn Hiển
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
8. Đồng chí Hoàng Xuân Hòa
Bí thư Chi bộ các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
9. Đồng chí Trịnh Ngọc Đức
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.
Phạm Thúy