ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MTTQ VIỆT NAM LẦN THỨ X,NHIỆM KỲ 2024-2029: Lắng nghe và hành động vì dân

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MTTQ VIỆT NAM LẦN THỨ X,NHIỆM KỲ 2024-2029: Lắng nghe và hành động vì dân
2 giờ trướcBài gốc
Đại hội có chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển". Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gần 1.400 đại biểu (ĐB) tham dự Đại hội (ĐH) ĐB toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Qua đó, sẽ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết ĐHĐB toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới.
Đổi mới phương thức hoạt động
Trong ngày làm việc đầu tiên (16-10), các ĐB đã thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký của ĐH.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, trong bối cảnh thế giới và khu vực đầy biến động, phức tạp, khó lường nhưng với đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, hòa quyện với niềm tin, sức mạnh của lòng dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, để đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề thiết thực và phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển.
Với phương châm "lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân", các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy tinh thần thi đua, lao động sáng tạo và sự chung sức của cả cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực góp phần phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (ngồi bìa trái) và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (bìa phải) thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: QUANG VINH
Từ cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" hay hưởng ứng phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, hệ thống MTTQ Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã cùng các cấp, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, triển khai Đề án vận động làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên là hoạt động tiêu biểu, nổi bật. Chỉ sau 9 tháng phát động, với sự chung tay của hệ thống mặt trận các cấp, đề án đã hoàn thành 5.500 căn nhà cho các hộ nghèo của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái.
Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi" do Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hôm 5-10 vừa qua đã tiếp nhận được hàng ngàn tỉ đồng đăng ký ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.
Trước những thiệt hại nặng nề mà cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kịp thời ra lời kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước và chiến sĩ cả nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… đã chia sẻ, giúp đỡ nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân. Đến nay, thông qua tài khoản của Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận trên 2.000 tỉ đồng.
Thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám cơ sở, cuộc sống của nhân dân. Nâng cao thực chất các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận; Chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, thật lòng giải quyết những kiến nghị chính đáng của người dân, lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu của công tác mặt trận.
Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hiện nay, có khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ - là một bộ phận không tách rời của dân tộc. Những năm qua, từ nhiều kênh khác nhau, họ luôn đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển đất nước, nhất là thông qua MTTQ Việt Nam, trong đó tiêu biểu có những kiều bào là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Lần đầu tiên tham dự ĐH, ông Nguyễn Duy Anh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, phấn khởi khi về Việt Nam tham dự ĐH. Không khí ấm áp, chân tình cùng sự đón tiếp chu đáo, ân cần của Ban Tổ chức càng khiến ông cảm động.
"Mang khí thế của kiều bào ở Nhật Bản, tôi rất mong muốn thông qua ĐH sẽ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của khối kiều bào, trở thành cánh tay nối dài của MTTQ Việt Nam. Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và luôn tự hào là người Việt Nam khi đi ra cộng đồng quốc tế" - ông Duy Anh bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, mong muốn trong nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam xem xét giải quyết các vấn đề mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn đang mong mỏi như quốc tịch; hỗ trợ để kiều bào trở về quê hương, đóng góp cho đất nước;...
Các đại biểu tham dự Đại hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng 16-10. Ảnh: QUANG VINH
Theo bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, chưa bao giờ bà con kiều bào lại hướng về quê hương, đất nước nhiều như hiện nay. Điều này có được cũng nhờ sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với đồng bào nơi xa xứ.
Để tập hợp được đông đảo hơn nữa các đối tượng, giai tầng khác nhau, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cần chú trọng xây dựng các tổ chức, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài vững mạnh, đa dạng và phong phú. Thông qua các tổ chức đó, chúng ta có thể kết nối, tập hợp sức mạnh của mọi người theo từng đối tượng, trong từng lĩnh vực.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, khẳng định cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện nay không những tăng về số lượng mà vị thế cũng không ngừng được nâng lên. Cộng đồng người Việt đóng góp nhiều hơn cho phát triển quê hương, đất nước.
Do đó, ông Phúc kỳ vọng ĐH lần này sẽ tiếp tục quan tâm, xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước nhiều hơn. "Điều này sẽ phát huy được tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày một tốt hơn" - ông Phúc bày tỏ.
Tại phiên làm việc chiều 16-10, ĐH đã tiến hành hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch ĐH gồm 55 ĐB. Trong đó, hiệp thương 51 ĐB và mời 4 lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia Đoàn Chủ tịch gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường.
Góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống
Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác chăm lo, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua, GHPG Việt Nam đã nỗ lực tập hợp, kết nối, kêu gọi tình đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước của bà con kiều bào ta ở nước ngoài, của cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương đất nước.
Với 21 tổ chức Hội Phật tử Việt Nam và các cộng đồng Phật tử liên lạc thường xuyên ở các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi, Úc, hằng năm GHPG Việt Nam đều tổ chức các chuyến hoằng pháp phục vụ cộng đồng người Việt Nam trong các dịp lễ Phật đản, lễ Vu lan, Tết cổ truyền dân tộc…, giúp bà con được an tâm và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, các phong tục của người Việt Nam, hướng lòng yêu nước về Tổ quốc.
VĂN DUẨN - MINH CHIẾN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-mttq-viet-nam-lan-thu-xnhiem-ky-2024-2029-lang-nghe-va-hanh-dong-vi-dan-196241016201047017.htm