Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần 1: Phát huy dân chủ, kết tinh trí tuệ

Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần 1: Phát huy dân chủ, kết tinh trí tuệ
7 giờ trướcBài gốc
Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, cổ vũ, động viên và đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp để toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Đảng bộ tiếp tục hành trình khát vọng cống hiến, kiến tạo, đột phá... góp phần quan trọng vào sự nghiệp công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sự chuyển mình mạnh mẽ
Đại hội lần thứ thứ nhất Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo đánh dấu một bước phát triển mang tính kế thừa và mở rộng. Trên nền tảng thành quả và kinh nghiệm từ Đảng bộ cơ quan Ủy ban Dân tộc và Đảng bộ Ban Tôn giáo Chính phủ, tổ chức Đảng cấp Bộ được kiện toàn để lãnh đạo toàn diện công tác dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo - hai lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ trong thực tiễn.
Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà chủ trì họp Tiểu ban Tuyên truyền Đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030
Đại hội cũng khẳng định sự thống nhất trong chỉ đạo, nâng cao hiệu quả chính sách, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, các văn kiện của Đại hội đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, kết cấu rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực tế công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, có tính tổng kết và khái quát cao.
Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ thứ nhất được triển khai lấy ý kiến sâu, rộng trong toàn Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể trực thuộc, góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng bộ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ nhất.
Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ I là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của ngành Dân tộc và Tôn giáo. Đại hội cũng khẳng định sự thống nhất trong chỉ đạo, nâng cao hiệu quả chính sách, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo ông Điểu Mưu, Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo (trụ sở làm việc bộ phận tại Đắk Lắk), Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025–2030 sẽ là dấu mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao và tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong toàn ngành.
“Tôi tin tưởng rằng Đại hội sẽ lựa chọn được nhân sự vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín và bản lĩnh chính trị để lãnh đạo toàn ngành tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo”, ông Điều Mưu khẳng định.
Còn ông Tào Việt Thắng, Bí thư Chi bộ 3, Đảng bộ Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo (trụ sở làm việc bộ phận tại Cần Thơ) kỳ vọng ở Đại hội Đảng bộ lần này là sự chuyển mình mạnh mẽ cả về tư duy chính trị, năng lực lãnh đạo và phương thức hoạt động của Đảng bộ để mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ mà còn phải kiên định lý tưởng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
“Tôi tin tưởng rằng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm hành động cao, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ thực sự là “điểm tựa” vững chắc, góp phần đưa cơ quan Bộ phát triển vững mạnh, toàn diện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của các DTTS, đồng thời bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo quy định của pháp luật”, ông Thắng cho biết.
“Cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước
Với những nỗ lực của mình trong những năm qua, cơ quan công tác dân tộc, tôn giáo đã trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo, góp phần quan trọng phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào có đạo.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, điều kiện kinh tế - xã hội của nhiều dân tộc hiện vẫn còn thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Lĩnh vực quản lý Nhà nước về dân tộc, tôn giáo dù đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức.
Từ các chính sách đầu tư của Nhà nước, đời sống của đồng bào các DTTS được nâng cao, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy. (Ảnh: TL)
Trao đổi về những đặc thù trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, ông Điểu Mưu cho rằng, trên địa bàn vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về mức sống giữa các vùng và giữa các dân tộc; một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, thông tin….
Tình hình tôn giáo ở một số nơi vẫn còn tiềm ẩn yếu tố nhạy cảm; có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đe dọa đến an ninh, trật tự tại cơ sở...
“Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc và tôn giáo theo hướng đặc thù, toàn diện, ổn định và lâu dài. Đồng thời, đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng; đẩy mạnh đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, giữ vững ổn định tình hình từ cơ sở”, ông Điểu Mưu kiến nghị.
Còn theo ông Tào Việt Thắng, hiện nay, cả nước đã bước vào vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã). Ở khu vực Tây Nam Bộ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Mạng lưới giao thông, thủy lợi, điện, nước còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Liên kết giữa các địa phương trong vùng còn yếu, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
“Từ 1/7 khi thực hiện địa giới hành chính mới, khu vực Tây Nam Bộ cần tiếp tục nỗ lực, khắc phục những khó khăn, thách thức, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Thắng cho biết.
Có thể thấy, lĩnh vực công tác dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo đang đứng trước những thời cơ mới đan xen không ít thách thức. Đại hội lần này chính là cơ hội để khơi dậy mạnh mẽ ý chí, quyết tâm, khát vọng cống hiến, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; từ đó tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dai-hoi-dang-bo-bo-dan-toc-va-ton-giao-lan-1-phat-huy-dan-chu-ket-tinh-tri-tue-2420857.html