10 thành viên của Hội đồng Bảo an, bao gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết nói trên, trong khi 5 quốc gia (bao gồm Anh và Pháp) bỏ phiếu trắng. Để thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cần có tối thiểu 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của các thành viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp).
Nghị quyết do Mỹ dự thảo được cơ quan quyền lực nhất LHQ thông qua viết theo giọng điệu trung lập, không có nội dung đề cập tới các hành động của Nga.
Nghị quyết bày tỏ sự thương tiếc đối với những người thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine và nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Nghị quyết cũng kêu gọi chấm dứt xung đột và thiết lập hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cho rằng nghị quyết của Mỹ là một "bước đi đúng đắn".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Dorothy Camille Shea phát biểu tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 24-2. Ảnh: EFE/EPA
Theo hãng thông tấn TASS, trước khi bỏ phiếu về nghị quyết do Mỹ dự thảo, các nước châu Âu đã cố gắng trì hoãn cho đến ngày 26-2, nhưng Hội đồng Bảo an đã bác bỏ yêu cầu này.
Sau đó, một số nước châu Âu, bao gồm Pháp và Anh, đã đề xuất một số sửa đổi phản đối Nga; một số trong số đó đã bị Moscow chặn lại, trong khi phần còn lại không nhận được số phiếu cần thiết.
Nga cũng đề xuất 2 sửa đổi đối với văn bản nghị quyết song cũng không nhận được số phiếu cần thiết. Mỹ bỏ phiếu trắng đối với tất cả các yêu cầu sửa đổi.
Trước đó, cùng ngày 24-2, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ủng hộ một nghị quyết do Ukraine và Liên minh châu Âu soạn thảo lên án Nga và kêu gọi Moscow rút quân khỏi Ukraine.
Nghị quyết được thông qua với 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng. Trong số 18 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết có Nga, Mỹ, Israel và Hungary.
Nghị quyết này do Ukraine đề xuất, dài 3 trang, trong đó yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, kêu gọi xây dựng nền "hòa bình toàn diện, lâu dài và công bằng"...
Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mariana Betsa phát biểu trước Đại hội đồng: "Đây là khoảnh khắc của sự thật, một khoảnh khắc lịch sử".
Thế nhưng, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Dorothy Camille Shea lưu ý các nghị quyết tương tự trước đây đã không thể thay đổi tiến trình của cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua.
Bà Shea nói: "Cuộc xung đột đã kéo dài quá lâu và gây ra cái giá quá khủng khiếp cho người dân Ukraine, Nga và nhiều nơi khác".
Huệ Bình