Diễn ra trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025 tại Việt Nam, sáng 5/5, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Trưởng lão Phật giáo thế giới, cùng các tăng ni, phật tử đã cùng thực hiện nghi thức thượng Đại kỳ Phật giáo.
Nghi thức thượng đại kỳ Phật giáo. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Dưới nền nhạc Đạo ca Phật giáo Việt Nam, lá Đại kỳ rộng 500 m2 được các quả bóng bay khổng lồ từ từ kéo lên bầu trời xanh.
Theo Ban tổ chức Vesak 2025, Đại kỳ Phật giáo có chiều dài 25,69m, chiều ngang 19,47m, tổng diện tích 500m2. Trong đó chiều dài 25,69m có ý nghĩa biểu tượng chiều dài lịch sử Phật giáo qua 2.569 năm và con số 500 m2 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Trưởng lão Phật giáo thế giới, cùng các tăng ni, Phật tử đã cùng nhau thực hiện nghi thức thượng đại kỳ Phật giáo. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Lá Đại kỳ mang 5 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam - tượng trưng cho sự hội tụ của 5 châu lục, thể hiện khát vọng hòa bình và sự đoàn kết của toàn thể nhân loại, thể hiện chủ đề "Đoàn kết và bao dung" của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2025.
Đông đảo Phật tử theo dõi nghi thức thượng đại kỳ Phật giáo và thả bóng bay. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Với triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc, tính chất từ bi, hỉ xả, bao dung, độ lượng, phù hợp với tâm tính người Việt Nam nên Phật giáo dễ dàng thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với tinh thần tùy duyên, nhập thế, Phật giáo đã lan tỏa, chuyển hóa trên khắp các vùng miền của đất nước.