Đại lễ Vesak 2025: Cụ thể hóa minh triết Phật giáo vào đời sống

Đại lễ Vesak 2025: Cụ thể hóa minh triết Phật giáo vào đời sống
8 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tham gia lễ hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới tối 6/5 trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: Đăng Huy
Sáng 8/5, sau ba ngày diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh, học thuật, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã bế mạc tại TPHCM, với Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh đầy ấn tượng.
Kỳ Vesak đặc biệt
Có lẽ, đây là kỳ Vesak đặc biệt nhất trong 4 kỳ Đại lễ mà Việt Nam đăng cai tổ chức từ năm 2008, vì sự kiện liền mạch sau Đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Không khí hân hoan của dịp kỷ niệm ngày hòa bình, độc lập dân tộc hòa quyện cùng niềm hoan hỷ của Phật giáo từ năm châu hội tụ tại TPHCM khiến người người được cảm nhận năng lượng an lành, hạnh phúc lan tỏa.
Điểm nhấn đặc biệt của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 là ban tổ chức đã cung thỉnh xá lợi Đức Phật Thích Ca - bảo vật quốc gia của Ấn Độ - về tôn trí trong không gian tổ chức, hàng trăm ngàn lượt người dân đã được chiêm bái, đảnh lễ. Thêm vào đó, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức - minh chứng cho kết quả tu hành của bậc chân tu sau khi ngài “vị pháp thiêu thân” ở Sài Gòn năm 1963 - cũng được cung thỉnh từ Ngân hàng Nhà nước (chi nhánh TPHCM) về tôn trí tại ngôi chùa lịch sử - Việt Nam Quốc Tự (quận 10) để người dân, tín đồ đạo Phật đảnh lễ, chiêm bái.
Những bảo vật, biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo là một trong những giá trị cần được gìn giữ như ngọn đèn niềm tin trong lòng người về sự thiện lương, sống vì tha nhân, làm vì đại chúng sẽ luôn trường tồn.
Đạo Phật Việt Nam đã tồn tại cùng đất nước hơn 2.000 năm, trong tinh thần “đồng hành cùng dân tộc”. Thiền sư Mãn Giác từng viết: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Nếp sống đạo là nếp sống hiền thiện, nhưng cũng hàm chứa trí tuệ, hay nói cách khác là hiểu biết đúng về mọi nhân duyên để “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong cuộc đời.
Khi mỗi người thực sự sáng suốt (có trí tuệ) và biết thương yêu nhau (từ bi) thì sẽ nhìn mọi sự đều nhẹ nhàng, hóa giải, chuyển hóa. Và tự khắc sẽ có “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm”. Ảnh: Nguyễn Huế
Bất biến trong giữ tâm chánh niệm, thanh tịnh, nhưng có thể vạn biến trong mọi biểu hiện giữa cuộc đời trần lao. Giống như Bồ tát Thích Quảng Đức, một nhà sư hẳn nhiên không ai muốn xuống đường, đấu tranh hoặc tự thiêu, nhưng khi áp bức đến đỉnh điểm thì an nhiên chọn cái chết cũng là tiếng nói bất bạo động. Dùng ngọn lửa từ bi và tinh thần vô úy (không sợ hãi) để lay chuyển lương tri và đánh thức lòng người là bài học không bao giờ cũ trong mọi xã hội.
Ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức và trái tim bất diệt của ngài, hay xá lợi của Đức Phật linh thiêng vì lẽ nhiệm huyền của nếp nghĩ, sự sống, việc làm phi phàm. Do vậy, kính lễ các đấng thiêng cũng chính là trở về nhắc nhở, nuôi lớn từ tâm, khai trí tuệ trong cuộc sống của mình hôm nay.
Trong Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, ở điều 2 là “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”. Với Phật tử, dường như ai cũng nằm lòng câu nói, cũng là công thức đúng tuyệt đối: “Tâm bình thế giới bình/ Tâm an vạn sự an”. Ở chỗ này, lối sống Phật giáo nhấn mạnh mỗi người trở về với chính mình thay vì đi tìm kiếm bên ngoài, hạnh phúc bình an gốc rễ ở tâm chúng ta.
Khi mỗi người thực sự sáng suốt (có trí tuệ) và biết thương yêu nhau (từ bi) thì sẽ nhìn mọi sự đều nhẹ nhàng, hóa giải, chuyển hóa. Và tự khắc sẽ có “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm”, như điều 1 của Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh. Suy cho cùng, Phật giáo là lối sống mà ở đó, mỗi con người tự biết chính mình (chánh niệm) để điều chỉnh ý (suy nghĩ), khẩu (lời nói) và thân (hành động) của mình trở nên tốt đẹp hơn. Chính sự bình an trên ba phương diện đó là một sự tu (sửa) đúng đắn nhất, theo Phật giáo, chứ không phải chỉ ở hình thức lễ nghi, cầu xin, cúng bái.
Khi cả thế giới cùng hiệp tâm hướng về vô ngã, vị tha thì chắc chắn sẽ an hòa. Ảnh: Nguyễn Huế
Nhân phẩm con người trong Phật giáo được đề cao thành Phật tánh - hạt giống trở thành Phật, như Đức Phật đã từng tuyên bố “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Tức, ai chọn lối sống Phật giáo có nghĩa là chọn đi trên con đường Phật hóa chính mình, từ ý, khẩu, thân tốt đẹp hơn mỗi ngày, so với chính mình.
Hòa bình thế giới hay hạnh phúc nhân loại, nói thì thấy lớn lao, cao rộng nhưng cũng không ngoài việc tu sửa nội tâm nơi mỗi người.
Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải
Bản Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh là kết quả làm việc của gần 3.000 đại biểu (1.500 đại biểu trong nước, 1.250 đại biểu quốc tế từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ). Các đại biểu đa dạng thành phần, từ Tăng vương, Tăng thống, lãnh đạo Phật giáo đến chính khách, nhà nghiên cứu, phật tử, trí thức.
Có thể nói, đây là một hội thảo toàn cầu, mang tính quốc tế để cùng nhau đi đến cam kết đoàn kết, bao dung, xây dựng đời sống đầy tình thương, trí tuệ. Đó cũng là tiếng nói chung của nhân loại văn minh.
Đóng góp của Đại lễ ngoài những hình thức của các lễ nghi, thăm viếng, chiêm bái, cầu nguyện thu hút hàng chục ngàn người thì trên hết chính là những cam kết sống tích cực trong một thế giới đang có nhiều biến động từ kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, môi trường bị ô nhiễm…
Đức Phật từ hơn 25 thế kỷ trước đã nói về quy luật duyên sinh, cái này có cái kia có, cái này diệt cái kia diệt. Khi chúng ta càng nuôi lớn tính thiện trong mình thì cái ác sẽ được chuyển hóa, mất dần. Khi cả thế giới cùng hiệp tâm hướng về vô ngã, vị tha thì chắc chắn sẽ an hòa.
“Tôi đề nghị, chúng ta cần đưa tâm Từ bi vào chính sách, mang Trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng”.
Phát biểu này của Chủ tịch nước Lương Cường tại lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 có lẽ cũng là kim chỉ nam trong tinh thần Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, mở ra con đường “Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải”, “vì sự phát triển con người”.
Lưu Đình Long
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dai-le-vesak-2025-cu-the-hoa-minh-triet-phat-giao-vao-doi-song-2399191.html