Đại lễ Vesak 2025: Cung nghênh xá lợi Phật và trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức

Đại lễ Vesak 2025: Cung nghênh xá lợi Phật và trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức
6 giờ trướcBài gốc
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra từ ngày 6-8/5 (tức mùng 9-11/4 Âm lịch). Chuỗi các hoạt động trong đại lễ như cung nghênh xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ về Việt Nam, rước xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức về thờ tự vĩnh viễn tại Việt Nam Quốc Tự... được người dân và Phật tử quan tâm, chờ đón.
Ngày 22/4, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ đã chia sẻ với báo chí về những điểm nhấn đặc biệt của sự kiện Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 do Việt Nam đăng cai.
Lễ hội tôn giáo vì hòa bình
- Xin Thượng tọa cho biết ý nghĩa của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc và đặc biệt là sự kiện năm nay do Việt Nam đăng cai?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc là hoạt động văn hóa của Liên hợp quốc, kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là lễ hội văn hóa tôn giáo vì hòa bình. Từ năm 2000 đến nay, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã được tổ chức 19 kỳ tại Trụ sở Liên hợp quốc và các nước trên thế giới.
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính họp với các bộ, ngành, đơn vị, rà soát công việc liên quan đến Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)
Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008 với 87 nước tham dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội; năm 2014 với 95 nước tham dự tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; và năm 2019 với 112 nước tham dự tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 năm nay với các đoàn đại biểu đến từ 80 quốc gia và 5 vùng lãnh thổ tham dự, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp đất nước Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025).
Đây sẽ là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của đất nước ta năm 2025.
Về mặt tâm linh, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 là dịp để các Phật tử trên thế giới cùng nhau tưởng niệm ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày niết bàn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết với bạn bè năm châu trên thế giới. Đại lễ cũng là dịp để giới thiệu những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc và hữu nghị.
Về văn hóa, đây là dịp giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hóa các nước; nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hóa Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.
Về ngoại giao, kết quả của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 sẽ đem đến cho bạn bè quốc tế sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa, tôn giáo của Việt Nam. Tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa nhân dân Việt Nam với tất cả bạn bè quốc tế trên thế giới. Khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới.
Về đạo đức, trong thời đại mà nền kinh tế, khoa học và kỹ thuật phát triển không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thì áp lực về vật chất ngày càng gia tăng đè nặng lên đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Do đó, con người có nhu cầu tìm về những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh đó, đạo đức phật giáo có một ý nghĩa quan trọng đối với việc bồi đắp đời sống tinh thần lành mạnh đối với con người.
Về kinh tế, sự kiện góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế.
Về học thuật, kết quả của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 sẽ đem đến cho bạn bè quốc tế sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa, tôn giáo của Việt Nam. Tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa nhân dân Việt Nam với tất cả bạn bè quốc tế trên thế giới. Khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới.
Vesak 2025: Đón nhận phước lành từ Đức Phật giữa đỉnh thiêng huyền thoại. (Ảnh: TTXVN phát)
- Chủ đề chính của Đại lễ năm nay là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững.” Xin Thượng tọa giải đáp rõ hơn về thông điệp này?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Chủ đề chính của Đại lễ bám theo các vấn đề mà Liên hợp quốc mong muốn xiển dương trong giai đoạn. Đó là hòa bình, phát triển bền vững - các mục tiêu thiên niên kỷ.
Là nước chủ nhà, Việt Nam đề xuất đưa yếu tố “đoàn kết, bao dung” vào chủ đề để bạn bè quốc tế thấy được thành tựu to lớn của đất nước sau 50 năm thống nhất, đang bước vào kỷ nguyên mới nhờ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong suốt quá trình lịch sử. Bao dung, tha thứ, thương yêu, “lá lành đùm lá rách” là nét văn hóa đẹp của người Việt. Qua đây, Việt Nam gửi gắm thông điệp yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với các nước trên thế giới và thực tế đang là đối tác chiến lược của nhiều quốc gia.
Ngoài chủ đề chính thì Đại lễ còn có các cuộc hội thảo chia thành 5 chủ đề nhánh: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì Hòa bình thế giới, Tha thứ và chữa lành bằng Chánh niệm: Con đường hòa giải, Từ bi Phật giáo qua hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người, Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững, Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.
Những chủ đề này nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu, chuyên gia, học giả. Ban Tổ chức đã nhận được 620 bài tham luận bằng tiếng Anh, và 330 bài tham luận bằng tiếng Việt.
Đón đại biểu từ hơn 80 quốc gia
- Nhân dân và Phật tử rất quan tâm đến việc chiêm bái xá lợi Phật từ Ấn Độ và xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức. Xin Thượng tọa cho biết thêm về quá trình cung nghênh hai bảo vật này?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Về xá lợi Phật, đây là Bảo vật Quốc gia của Ấn Độ nên khi xuất ngoại, được Chính phủ Ấn Độ coi như chuyến công du của nguyên thủ. Để cung nghinh xá lợi Phật, Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 31/12/2024 đã có công hàm gửi cho Chính phủ và Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam được cung rước xá lợi Đức Phật sang Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo về Đại lễ Vesak. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sau một quá trình đàm phán, trao đổi văn hóa, trao đổi ngoại giao giữa bộ ngoại giao hai nước, đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã đồng ý.
Hiện đoàn tiền trạm của Ấn Độ gồm đại diện Bộ Văn hóa, các chuyên gia khảo cổ học, lãnh đạo Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ đang ở Việt Nam (từ 18/4) để tiền trạm các nơi mà Việt Nam dự kiến tôn trí xá lợi Đức Phật. Họ rất quan tâm đến nhiệt độ, độ ẩm, an ninh, an toàn cho xá lợi Đức Phật.
Về lịch trình cung rước xá lợi Đức Phật, dự kiến xá lợi Đức Phật sẽ đến sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 2-5 bằng chuyên cơ quân sự của Ấn Độ, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ hộ tống.
Sau đó cung rước về chùa Thanh Tâm, thuộc khu vực Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở Lê Minh Xuân, Thành phố Hồ Chí Minh để Phật tử, Nhân dân đến chiêm bái từ ngày 2/5 đến ngày 8/5. Chiều 8/5, xá lợi Đức Phật được rước tới Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến hết ngày 12/5. Sáng 13/5 xá lợi Đức Phật sẽ về sân bay Tân Sơn Nhất, chuyên cơ đưa ra sân bay Nội Bài cung rước về chùa Quán Sứ ở Hà Nội.
Xá lợi Đức Phật sẽ được cung rước trên các đường phố xung quanh chùa Quán Sứ và Hồ Hoàn Kiếm, rồi về tôn trí tại hội trường chùa Quán Sứ để Phật tử chiêm bái từ ngày 14 đến hết ngày 16/5. Vào 5h30 ngày 17/5 sẽ cung rước xá lợi Đức Phật tới chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
Cùng với xá lợi Đức Phật, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam còn tôn trí trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức. Đây là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống của Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.
Xá lợi trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đồng thời thể hiện chiều sâu tâm linh của Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối chiến tranh – sự kiện đã gây chấn động dư luận quốc tế.
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chiến tranh và việc đàn áp Phật giáo năm 1963. (Ảnh: Malcolm Browne/AP)
Về lịch trình cung rước xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, sáng 3/5, xá lợi sẽ được cung rước từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh ra Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc.
Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được tôn trí ở đây từ ngày 3 đến 11/5 để tăng ni, Phật tử, bạn bè quốc tế chiêm bái. Sau đại lễ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được tôn trí vĩnh viễn tại Bảo Tháp ở Việt Nam Quốc Tự.
- Cho đến nay đã có bao nhiêu đoàn đại biểu quốc tế xác nhận tham dự Đại lễ, thưa Thượng tọa?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Có khoảng 1.250 đại biểu đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các vị Tăng vương, Tăng thống, Pháp chủ, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao tăng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, phát triển cộng đồng Phật giáo thế giới; các nhà nghiên cứu, các học giả, nhân sỹ tri thức Phật giáo trên thế giới và trong nước. Có một số đoàn rất đông, lên đến hơn 100 người như đoàn Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Sri Lanka. Có những đoàn đến từ các quốc gia xa xôi ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh. Ngoài ra còn có nhiều kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới về dự.
Đoàn cán bộ Ấn Độ sang Việt Nam khảo sát các địa điểm tôn trí xá lợi Phật. (Ảnh: GH)
Đại biểu đại diện Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các quốc gia dự kiến tham dự: Tổng thống Sri Lanka và các quan chức Bộ trưởng đoàn tháp tùng; Phó Thủ tướng Cộng hòa Buryatia (Liên bang Nga); Bộ trưởng Bộ các vấn đề Quốc hội, Cộng hòa Ấn Độ; Bộ trưởng Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia; Quan chức Liên hợp quốc; Đại sứ các nước tại Việt Nam.
Có được sự quan tâm lớn như vậy là nhờ cơ đồ, vị thế quốc gia trong những năm gần đây và thành công từ những lần đăng cai trước đây. Chúng tôi thấy phấn khởi, vinh dự và cả áp lực khi thấy quốc tế quan tâm đến Đại lễ Vesak năm nay như vậy.
Ở trong nước, Đại lễ sẽ đón khoảng 1.500 đại biểu từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các vị khách quý gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, các Phật tử tiêu biểu.
- Cho đến lúc này, công tác chuẩn bị cho Đại lễ đã được tiến hành như thế nào, thưa Thượng tọa?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, giao thông đi lại Nhà nước đã có phương án hỗ trợ. Ban Tổ chức có thiết lập Trung tâm điều hành an ninh tại khu vực diễn ra Đại lễ Vesak.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cùng các chuyên gia Ấn Độ khảo sát địa điểm tổ chức Đại lễ. (Ảnh: GH)
Về hậu cần, có khoảng 1.200 người tham gia công tác ẩm thực phục vụ Đại lễ. Dự kiến có khoảng gần 200 món ẩm thực chay sẽ được phục vụ đại biểu. Các Phật tử và Nhân dân tham dự Đại lễ sẽ được Ban Tổ chức phát nước uống, cơm hộp miễn phí tại khu vực Học viện Phật giáo, chùa Thanh Tâm, Công viên Láng Le. Đại biểu được bố trí ở tại 15 khách sạn nằm ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi rất cảm kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh dù rất bận rộn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước nhưng đã luôn quan tâm đến công tác tổ chức Đại lễ Vesak và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Công viên Láng Le đã được gấp rút hoàn thành để kịp cho Phật tử tập trung trước khi đến địa điểm tổ chức Đại lễ. Sáng nay con đường đón đại biểu cũng vừa hoàn thành. Đặc biệt, thường thì thời điểm này hoa mai của phương Nam đã nở hết rồi nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã lưu tâm để mời các nghệ nhân chăm chút cho các chậu hoa mai nở đúng dịp khai mạc Đại lễ.
- Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/dai-le-vesak-2025-cung-nghenh-xa-loi-phat-va-trai-tim-bo-tat-thich-quang-duc-post1034383.vnp