Đại lễ Vesak 2025: Hơn 1.300 đại biểu quốc tế tham gia, công bố 87 bảo vật quốc gia về Phật giáo

Đại lễ Vesak 2025: Hơn 1.300 đại biểu quốc tế tham gia, công bố 87 bảo vật quốc gia về Phật giáo
14 giờ trướcBài gốc
Chiều 2-5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo ra mắt Trung tâm báo chí, đồng thời thông tin về các hoạt động của Đại lễ Vesak 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM.
Đây là lần đầu tiên TP.HCM được chọn là nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2025, sau 3 lần Việt Nam đăng cai tổ chức trước đó tại Hà Nội (năm 2008), Ninh Bình (2014) và Hà Nam (2019).
Toàn cảnh họp báo
Hơn 1.300 đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ Vesak
Phát biểu tại buổi họp báo, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức quốc gia Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025, cho biết chương trình nhận được sự đăng ký tham gia của đông đảo đại biểu khách quốc tế. Tính đến chiều 2-5, đã có 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức đăng ký tham dự.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức quốc gia Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025.
"Các thông tin chương trình liên tục được cập nhật, thay đổi từng giờ. Có nhiều nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng đăng ký tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Có lẽ đây là lúc thể hiện vị thế của Việt Nam với cộng đồng quốc tế", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói và cho rằng đây là dịp để bạn bè quốc tế đến với TP. HCM và cũng là cơ hội giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp.
"Bạn bè quốc tế sẽ được chứng kiến một TP.HCM năng động, sáng tạo, phồn vinh, thịnh vượng sau 50 năm thống nhất đất nước. Đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển, vươn mình cùng thế giới trong kỷ nguyên mới"- Thượng tọa Thích Đức Thiện nói thêm.
Ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo TP.HCM.
Nhấn mạnh đây là sự kiện mang tính ngoại giao quan trọng, được Trung ương giao thành phố chủ trì thực hiện, ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo TP.HCM, cho biết thành phố và các đơn vị liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài, từ công tác hậu cần, hạ tầng cho đến phối hợp tổ chức.
Khu vực tổ chức chính tại xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh là không gian quan trọng, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị nhằm phục vụ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.
TP.HCM cũng lên phương án điều phối giao thông, tổ chức các bãi xe lớn xung quanh khu vực diễn ra đại lễ nhằm đảm bảo trung chuyển hiệu quả cho gần 3.000 đại biểu quốc tế và trong nước.
TP cũng đã lên kế hoạch tổ chức buổi tiếp đón, chào xã giao các đoàn đại biểu quốc tế vào ngày 5-5 tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM).
Ngoài ra, các hoạt động triển lãm, nghệ thuật, giao lưu văn hóa cũng được tổ chức đa dạng. Đặc biệt, huyện Bình Chánh đã có nhiều sáng kiến, như thiết kế cảnh quan với hoa mai nở nghịch mùa, nhằm tạo không gian đặc trưng cho đại lễ.
Thành phố cũng đã vận động người dân hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hiến đất vì sự kiện, thể hiện tinh thần vì lợi ích chung.
"Đây là lần đầu tiên đại lễ Vesak được tổ chức tại TP.HCM, đúng dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, nên chúng ta quyết tâm tổ chức thật thành công, an toàn và thể hiện được hình ảnh một Việt Nam yên bình, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế" - ông Nguyễn Duy Tân nhấn mạnh.
Phong phú các hoạt động văn hóa
Về các hoạt động văn hóa tại Đại lễ Vesak 2025, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết Đại lễ có nhiều hoạt động văn hóa, bao gồm 7 chương trình nghệ thuật phong phú, có ý nghĩa.
Trong đó, chương trình văn nghệ có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng Bắc, Trung, Nam và các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia, Mông Cổ…
Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, tại Đại lễ Vesak 2025, lần đầu tiên công bố 87 bảo vật quốc gia về Phật giáo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Việt Nam có tổng cộng 233 bảo vật quốc gia, trong đó Phật giáo có 87 bảo vật.
Triển lãm diễn ra vào sáng 5-5 giới thiệu những dấu ấn quan trọng của văn hóa Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ và là cơ hội để tăng ni, phật tử và công chúng chiêm ngưỡng. Cũng tại triển lãm, Ban Tổ chức giới thiệu về 4 đề án: ngôn ngữ, nghi lễ, pháp phục, kiến trúc và di sản.
Sau khai mạc triển lãm, lễ thượng kỳ sẽ diễn ra lúc 10h sáng 5-5, với lá cờ 500m2. Cạnh đó, sẽ có một quả khinh khí cầu để mọi người tham gia ký tên, lưu lại dấu ấn khi đến tham dự.
Ngoài ra, tại Đại lễ Vesak 2025 sẽ có chương trình trà đạo. Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, đây là một chương trình đặc sắc và có lẽ là lần đầu tiên được tổ chức theo cách độc đáo như vậy. Chương trình này có một không gian riêng để chư tôn đức và các đại biểu có thể nghỉ ngơi, thưởng trà và các sản phẩm từ các vùng miền trong khoảng một tiếng rưỡi sau bữa trưa. Các đơn vị phục vụ trà đạo được cho là những đơn vị đã từng phục vụ cho các quốc gia.
Tối 6-5 sẽ diễn ra chương trình thả hoa đăng, với sự tham dự của 12.000 người và 35.000 hoa đăng.
Chương trình bao gồm hành chính tâm định và hành thiền quanh hồ Công viên Láng Le (bên cạnh Học viện Phật giáo) xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh để thả hoa đăng, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, quốc thái dân an và độc lập cho đất nước. Đây cũng là một chương trình đặc sắc tại Đại lễ Vesak.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhấn mạnh các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Đại lễ này rất phong phú, đa dạng, thể hiện tinh hoa văn hóa Phật giáo Việt Nam và có sự giao lưu quốc tế.
Đại lễ Vesak 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam và cũng là dịp để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua sự kiện văn hóa quốc tế của Liên hợp quốc....
Gần 13.000 tình nguyện viên phục vụ đại lễ Vesak 2025
Về lực lượng tình nguyện viên, có khoảng 550 sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học tại TP.HCM tham gia hỗ trợ đại lễ Vesak 2025.
Ngoài ra, còn có 1.000 tăng ni sinh từ Học viện Phật giáo Việt Nam, 1.200 người phục vụ công tác hậu cần, khoảng 4.000 thanh niên - sinh viên tham gia lễ hội hoa đăng, cùng với 6.000 phật tử từ các chùa trên địa bàn thành phố cùng chung tay đóng góp vào thành công của sự kiện.
VĂN HÀ
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/dai-le-vesak-2025-hon-1300-dai-bieu-quoc-te-tham-gia-cong-bo-87-bao-vat-quoc-gia-ve-phat-giao-post847690.html