Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Cho thế giới hòa bình, vì phẩm giá con người

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Cho thế giới hòa bình, vì phẩm giá con người
17 phút trướcBài gốc
Tại TP HCM ngày 6-5, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (LHQ) 2025 chính thức khai mạc với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".
Chung tay kiến tạo
Dự lễ khai mạc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên. Đại diện lãnh đạo và lãnh đạo Phật giáo của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia sự kiện quan trọng này.
Trong tuyên đọc thông điệp Đại lễ Vesak LHQ 2025, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết năm nay có ý nghĩa hết sức to lớn đối với Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak LHQ tại TP HCM, đúng vào dịp nhân dân cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà (30.4.1975 - 30.4.2025).
"Với tất cả ý nghĩa thiêng liêng, tôi mong muốn tất cả người con Phật trên khắp thế giới đoàn kết, hòa ái và tích cực cùng nhân loại kiến tạo thế giới thái bình, an lạc thực sự" - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nói.
Các đại biểu trong lễ khai mạc ngày 6-5. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV), nhận xét trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều biến động và bất ổn, tính cấp thiết của chủ đề Đại lễ Vesak LHQ năm nay càng rõ.
Đại lễ không chỉ là sự kiện mang tính tâm linh mà còn là cơ hội để mọi người cùng suy ngẫm về sứ mệnh cao cả của Phật giáo trong việc nuôi dưỡng lòng từ bi, trí tuệ và khuyến khích hành động thiết thực vì con người.
Các hội thảo, tham luận, báo cáo trong khuôn khổ Đại lễ sẽ góp phần mở rộng đối thoại liên văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy những hành động cụ thể hướng đến thế giới hòa bình, công bằng và bền vững hơn.
Sức mạnh gắn kết
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka nhấn mạnh chủ đề của Đại lễ Vesak LHQ năm nay chính là giá trị của bình đẳng, xem bình đẳng là cốt lõi của xã hội vững mạnh.
Dựa trên tinh thần đó, Tổng thống Sri Lanka khẳng định Việt Nam có thể được coi là minh chứng sống của một quốc gia vươn lên nhờ tư tưởng bình đẳng.
"Chúng tôi nếm trải được nỗi đau do chiến tranh mang lại. Để ngăn chặn nỗi đau như vậy, câu trả lời duy nhất chính là hòa bình. Trong bối cảnh ấy, giá trị cốt lõi của giáo lý về một tôn giáo của hòa bình đã trở nên vô cùng quý báu... Cần thiết đề cao hơn nữa giá trị của lòng từ bi, lòng nhân ái, sự bình tâm, bình đẳng và những giáo lý cao quý của Đức Phật" - Tổng thống Sri Lanka nhấn mạnh.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 mang chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Neth Savoeun, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, khẳng định Campuchia vui mừng khi góp phần làm cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa cơ quan nhà nước với những lãnh đạo Phật giáo ngày càng vững mạnh hơn.
Theo ông Neth Savoeun, Đại lễ sẽ là cơ hội để trao đổi ý tưởng, quan điểm, kinh nghiệm làm việc giữa Phật tử với Phật tử nhằm thúc đẩy sự phát triển hài hòa của Phật giáo trong khu vực và trên thế giới.
Đại lễ còn phát động sự hợp nhất lực lượng, đoàn kết thống nhất cả trong lĩnh vực Phật giáo và chính quyền. Qua đó, tạo nên năng lượng mạnh mẽ trong Phật giáo, tiến tới cùng nhau giữ gìn, bảo tồn di sản tôn giáo, phát huy những giá trị của Phật giáo.
Đạo và đời hòa quyện
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh Đại lễ Vesak LHQ 2025 là dịp để mọi người cùng chiêm bái và lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật gồm từ bi, trí tuệ và hòa bình.
Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần "hộ quốc an dân".
Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống đó, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hàng vạn tăng ni, Phật tử trên mọi miền đất nước đã góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững, giúp cho đạo và đời hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung.
"Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc" - Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch nước Lương Cường, tình hình thế giới hiện nay và những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo nhưng vẫn còn nhiều thách thức như chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu... Vì thế, càng cần sự đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, chung tay hành động, nỗ lực vì một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và vì phẩm giá con người.
Dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, làm việc gì cũng không vì bản thân mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng.
Giá trị vượt thời gian
Gửi lời chúc mừng tới Đại lễ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định những lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi, sự khoan dung và tinh thần phụng sự vô ngã có sự tương quan sâu sắc với những giá trị của LHQ...
"Trong thời đại mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng thì những nguyên tắc vượt thời gian ấy cần phải tiếp tục soi sáng con đường chung của nhân loại" - Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, các ngày tiếp theo của Đại lễ Vesak LHQ 2025 gồm nhiều hoạt động phong phú. Trong đó có những hội thảo chuyên đề; chương trình giao lưu nghệ thuật Phật giáo quốc tế; lễ tôn trí Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni và trồng 108 cây bồ đề tại tỉnh Tây Ninh; đại biểu tham quan quần thể văn hóa Phật giáo Sun World, núi Bà Đen; lễ cầu nguyện hòa bình thế giới...
Sáng 8-5, bế mạc Đại lễ Vesak LHQ 2025.
Dấu ấn quan trọng
Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak LHQ 2025, chiều 6-5, hàng ngàn tăng ni, Phật tử và người dân đã tới Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP HCM) để chiêm bái Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức.
Đến chiều muộn 6-5, người dân vẫn xếp hàng dài để chờ chiêm bái Xá lợi. Ảnh: PHẠM DŨNG
Không khí tại khu vực chiêm bái tràn ngập sự trang nghiêm và linh thiêng. Người dân xếp hàng trật tự, cúi đầu thành kính trước Xá lợi.
Trong dòng người tham dự, chị Trần Thị Nguyệt Ánh (SN 1989, ngụ TP Buôn Ma Thuột) không giấu được xúc động. Chị nói Bồ tát Thích Quảng Đức đã thắp lên ngọn đuốc soi sáng con đường tu tập của chị.
"Càng tìm hiểu về cuộc đời ngài, tôi càng thêm ngưỡng mộ và tự hào. Tôi tin rằng tất cả Phật tử đều muốn bảo tồn và phát huy những giá trị mà ngài đã để lại cho Phật giáo Việt Nam ta" - nữ Phật tử nói.
Lễ chiêm bái này không chỉ là dịp để tưởng nhớ hành động cao cả của Bồ tát Thích Quảng Đức mà còn là cơ hội để Phật tử và cộng đồng chiêm nghiệm về tinh thần từ bi, khát vọng hòa bình, tự do tín ngưỡng của ngài.
Sự kiện này cũng mang dấu ấn quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tâm linh của Phật giáo Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.
Ái My
LÊ VĨNH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dai-le-vesak-lien-hop-quoc-2025-cho-the-gioi-hoa-binh-vi-pham-gia-con-nguoi-196250506215233271.htm