Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Hành trình của sự tỉnh thức

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Hành trình của sự tỉnh thức
7 giờ trướcBài gốc
Suy ngẫm về hòa bình
Bày tỏ xúc động khi được gặp gỡ Chủ tịch nước Lương Cường, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cùng nhiều nhà lãnh đạo, doanh nhân, học giả và chư tôn đức đến từ khắp nơi trên thế giới, chị Quỳnh Như cho rằng, việc Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak 2025 vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước mang ý nghĩa sâu xa.
Sau chiến tranh, Việt Nam đã chọn con đường xây dựng hòa bình, phát triển bền vững và kết nối với thế giới - một hành trình rất gần với tinh thần của Vesak: Vị tha, bao dung và tỉnh thức.
Theo chị Quỳnh Như tổ chức Vesak tại Việt Nam vào thời điểm này như một sự công nhận đối với vai trò ngày càng tích cực của Việt Nam trên bản đồ thế giới: một quốc gia từng đi qua chiến tranh đang vươn lên bằng lòng nhân ái, sáng tạo và hòa hợp.
Vesak là một sự kiện mang thông điệp toàn cầu về hòa bình, sự tỉnh thức và lòng từ bi - những giá trị rất gần gũi với hành trình mà Việt Nam đã đi qua nửa thế kỷ qua. Sau chiến tranh là hòa giải, sau chia cắt là đoàn tụ - và đó chính là biểu hiện sống động nhất của tinh thần Vesak, khi con người biết đặt sự tử tế và nhân bản lên trên mọi khác biệt.
Vesak năm nay, vì vậy, không chỉ là một đại lễ tôn giáo, mà là dịp để mỗi người Việt - đặc biệt là thế hệ trẻ - suy ngẫm về hòa bình, về trách nhiệm gìn giữ sự thống nhất đã được đánh đổi bằng rất nhiều hy sinh. Và hơn hết, là để cùng nhau hướng tới một tương lai hài hòa - nơi văn hóa, tín ngưỡng và tình người cùng song hành để làm nên một Việt Nam vững vàng và nhân ái hơn.
Là một người làm nghệ thuật, được hòa mình trong không khí ấy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Paris cảm thấy vô cùng xúc động. Trong khoảnh khắc của Đại lễ Vesak 2025, chị Quỳnh nhận ra rằng, cái đẹp đích thực không đến từ hình thức, mà từ nội tâm, từ những gì con người ta đang âm thầm gìn giữ, hướng đến và truyền trao cho nhau.
Giữa vô vàn khác biệt vẫn thấy một “dòng chảy” chung
Đại lễ Vesak năm nay vinh dự được đón 2.700 đại biểu, trong đó có gần 1.300 khách quốc tế đến từ hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi người một quốc tịch, một ngôn ngữ, một lý tưởng riêng… nhưng tất cả đều cùng hiện diện tại Đại lễ Vesak vì một điều lớn hơn, đó là khát vọng sống chung trong tôn trọng và tử tế.
Chị Quỳnh Như chia sẻ: “Có người hỏi: Tôi tham dự Đại lễ Vesak để làm gì? Tôi là người đam mê nghệ thuật và được nuôi dưỡng trong ánh sáng của Thánh Kinh. Nhưng có lẽ, tôn giáo - cũng như nghệ thuật và văn hóa - không phải để tách biệt mọi người, mà là để đưa mọi người lại gần nhau hơn, để mỗi người học cách lắng nghe niềm tin của người khác trong tôn trọng, cảm thông và khát vọng chung về một thế giới nhân ái hơn”.
Từ Đại lễ Vesak, chị Quỳnh Như nhận ra, trong bất kỳ ngành nghề nào - kể cả thời trang - điều quan trọng không chỉ là kỹ năng hay danh tiếng, mà là cách con người ta duy trì sự sáng suốt trong tâm tưởng. Với chị, việc bước vào một sự kiện lớn như Đại lễ Vesak là hành trình quay vào bên trong, đối thoại với chính mình để hiểu vì sao mình tạo ra cái đẹp và cái đẹp đó sẽ dẫn mình đi đến đâu.
Là một người làm nghệ thuật, cũng là người làm kinh doanh, chị Quỳnh Như tin rằng, thành công không thể tách rời khỏi chiều sâu nội tâm. Không phải lúc nào ta cũng cần "làm", đôi khi chỉ cần “lắng” (lắng nghe những giá trị vượt khỏi bản thân mình).
“Tại Đại lễ Vesak, giữa vô vàn khác biệt về ngôn ngữ và xuất thân, tôi vẫn nhận thấy một “dòng chảy” chung: Ai trong chúng ta cũng đang hướng đến những giá trị nhân văn và sự hòa bình, không chỉ cho đất nước mình mà còn cho thế giới. Ở đó - giữa muôn sắc màu văn hóa, giữa các bậc trí giả - tôi thấy mình thật nhỏ bé, nhưng cũng thấy mình được nâng lên bởi một niềm tin giản dị: Mỗi con người - dù khác biệt - đều đang cùng hướng về điều tốt đẹp nhất cho đất nước, cho cộng đồng và cho thế giới”, chị Quỳnh Như bày tỏ.
T.T
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/dai-le-vesak-lien-hop-quoc-2025-hanh-trinh-cua-su-tinh-thuc-313808.html